Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phùng Xuân Nhạ: Học phí Đại học thấp khó mong đợi chất lượng đào tạo cao

P.V-Thứ tư, ngày 06/06/2018 09:50 GMT+7

VTV.vn - Theo Bộ trưởng Nhạ, suất học phí trung bình của Việt Nam là 630USD, quá khiêm tốn so với 19000 USD tại Mỹ, vì thế, chất lượng đào tạo đại học khó mong đợi cao.

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phùng Xuân Nhạ tại Quốc hội sáng 6/6, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) có đặt câu hỏi rằng kết quả giáo dục được các tổ chức quốc tế ghi nhận đánh giá cao (theo lời Bộ trưởng – PV), tuy nhiên, về giáo dục đại học thì đại biểu rất băn khoăn, chất lượng đào tạo đại học chưa cao, đặc biệt là sau đại học. Đại biểu có đặt câu hỏi với Bộ trưởng Nhạ về việc "giáo dục đại học Việt Nam đang ở đâu trong BXH châu Á?".

Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phùng Xuân Nhạ: Học phí Đại học thấp khó mong đợi chất lượng đào tạo cao - Ảnh 1.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phùng Xuân Nhạ

Trả lời cho câu hỏi này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận chất lượng đào tạo đại học còn thấp và chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường, nhất là khi Việt Nam đang bước vào cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. Trong đó, Bộ trưởng Nhạ cũng vạch ra một số nguyên nhân: "Nguyên nhân trước hết là chương trình đào tạo chưa sát với yêu cầu của thị trường, chương trình học được các thầy cô xây dựng dựa trên hiểu biết, rồi điều kiện đảm bảo chất lượng, giáo viên, cơ sở vật chất tài chính còn nhiều vấn đề…"

Đồng thời, Bộ trưởng Nhạ cũng đưa ra mức học phí còn thấp tại Việt Nam và cho rằng "đồng tiền đi liền chất lượng" – "Tại các nước trên thế giới, các trường ĐH tỷ lệ tiến sỹ cao, lên tới hơn 70% nhưng tại Việt Nam chưa đạt tới 23,7% toàn ngày, cơ sở vật chất chưa đảm bảo. Ở nước ta, suất học phí đối với sinh viên bình quân là 630 USD, trong khi con số này ở Mỹ là 19.000 USD, ở Trung Quốc là gần 3500 USD, cho nên chất lượng đại học khó mong đợi cao".

Chia sẻ về phương án cải tiến chất lượng trong thời gian tới, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay, tới đây, Bộ sẽ cố gắng không đầu tư dàn trải, sẽ có những trường được đầu tư trọng điểm, hướng tới xã hội hóa, trong khi những trường chất lượng vừa phải sẽ xem xét sáp nhập, giải thế. Các giải pháp nâng cao chất lượng có thể sẽ hướng tới việc tự chủ. Tự chủ là một trong những điểm nghẽn khiến các trường không chủ động.

"Hiện nay, so với mặt bằng thế giới, giáo dục đại học chúng ta còn thấp, trong xếp hạng Ranking chưa có trường đại học nào xếp vào bảng xếp hạng danh tiếng. Gần đây, chúng ta đã có 2 đại học lọt vào 1000 trường tốt nhất thế giới, đây là tín hiệu mừng và cũng đáng khích lệ. Sắp tới, Bộ sẽ tăng cường kiểm định đồng thời thực hiện xếp hạng các trường với nhau và xếp hạng giữa các trường trong nước với các trường quốc tế. Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng để đầu tư cho những ngành xuất sắc. Còn những ngành theo định hướng khác và có chất lượng cũng cao sẽ phục vụ theo nhu cầu thị trường" – Bộ trưởng Nhạ cho biết thêm.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước