Bộ trưởng Tư pháp: “Tăng cường giám sát hoạt động công chứng viên”

Diệu Trang-Thứ hai, ngày 21/01/2013 10:55 GMT+7

Ảnh: Media.vtv.vn

“Năm 2013, sẽ thanh tra hoạt động công chứng viên đồng loạt trong cả nước”... là một trong những nội dung Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trao đổi trong chương trình Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời.

Quý vị có thể theo dõi toàn bộ cuộc trao đổi qua Video:

PV: Thưa Bộ trưởng, tại sao cùng một loại giao dịch là mua bán nhà ở mà nơi thì ra công chứng, nơi thì lại đến UBND xã với mức phí rất khác nhau?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Theo pháp luật hiện hành, người dân được tự lựa chọn: hoặc là công chứng và chứng thực. Chứng thực là chỉ chứng nhận sự việc, chữ ký chứ không phải là chứng thực nội dung. Còn công chứng là phải đảm bảo nội dung của hợp đồng, giao dịch.

Trong trường hợp giao dịch mua bán nhà đất, công chứng viên chịu trách nhiệm về tính hợp pháp, qua đó để giảm thiểu tính rủi ro, tăng cường tính an toàn pháp lý cho các bên tham gia giao dịch.

Đương nhiên hai hoạt động khác nhau sẽ dẫn đến chi phí khác nhau. Luật pháp gọi là phí công chứng chứ không gọi là lệ phí công chứng, cho nên mức cao hơn lệ phí chứng thực, Đổi lại, nếu được công chứng, người ta sẽ nhận được sự an toàn pháp lý cao hơn.

PV: Chính phủ từng có Nghị quyết số 52, trong đó có phương án để cá nhân hay tổ chức được quyền lựa chọn công chứng, chứng thực theo nhu cầu của mình?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Đúng là Nghị quyết 52 năm 2010 của Chính phủ có đưa ra việc đơn giản hóa thủ tục cho người dân lựa chọn giữa công chứng và chứng thực. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, có nhiều vướng mắc, nhất là vào thời kỳ kinh tế suy giảm. Vì thế, Chính phủ đã giao cho các Bộ nghiên cứu lại để trình Chính phủ. Vào đầu năm 2012 vừa rồi, Chính phủ đã có quyết định tiếp tục lộ trình đơn giản hóa đối với những hợp đồng giao dịch không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu nhà cửa và quyền sử dụng đất.

PV: Thời gian qua, báo chí đã phản ánh chuyện cạnh tranh không lành mạnh giữa các phòng công chứng, cũng như hiện tượng công chứng viên tỏ ra đơn giản, dễ dãi, thậm chí không tuân thủ quy định trong quy trình, trình tự thẩm định hồ sơ thủ tục công chứng. Hiện tượng này diễn ra khá phổ biến ở tất cả các tỉnh thành trên cả nước. Bộ trưởng có biết điều này không và có giải pháp gì để có thể chấn chỉnh hoạt động đó?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Đó chỉ là hiện tượng ban đầu của quá trình xã hội hóa. Tốc độ xã hội hóa về mặt công chứng của nước ta rất nhanh. Tính từ 1/7/2007 đến nay, các tổ chức hành nghề công chứng cũng như số lượng các công chứng viên đã tăng gấp 6 lần. Trong khi đó lại chưa có quy hoạch.

Hiện nay, nhận thức của công chứng viên và trình độ, nghiệp vụ của công chứng viên đang có vấn đề, bắt nguồn từ việc luật đang dễ dãi trong việc bổ nhiệm công chứng viên. Nguyên nhân thứ 2 là hiện nay mới có quản lý của nhà nước, còn các công chứng viên hoạt động với nhau lại chưa có tự quản đúng mức. Hiện mới có 4-5 tỉnh thành lập được hội công chứng, trong đó họ tự quản, giám sát lẫn nhau về đạo đức nghề nghiệp và sự chấp hành của công chứng viên.

Giải pháp trước mắt là tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức và tăng cường giám sát hoạt động của công chứng viên. Năm 2013 này, sẽ thanh tra hoạt động công chứng viên đồng loạt trong cả nước. Về lâu dài sẽ cần phải sửa đổi luật công chứng để thắt chặt tiêu chuẩn đầu vào của công chứng viên và trách nhiệm nghề nghiệp của họ.

PV: Được biết, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, UBND các tỉnh trực thuộc Trung ương để xây dựng bản quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở Việt Nam đến năm 2012 và trình Chính phủ phê duyệt. Vậy, bản quy hoạch này đã được phê duyệt hay chưa và đến bao giờ thì tất cả cấp huyện trên địa bàn cả nước sẽ đều có tổ chức hành nghề công chứng, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Ngày 29/12 vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt bản Quy hoạch này. Lần đầu tiên, đất nước chúng ta có một bản quy hoạch tổng thể để phát triển nghề công chứng cho đến năm 2020 và tầm nhìn xa hơn.

Theo Quy hoạch này, từ nay đến 2015, cả nước sẽ phát triển khoảng 1000 tổ chức hành nghề công chứng. Từ đó, cơ bản các huyện kể cả vùng núi sẽ có tổ chức hành nghề công chứng. Đến 2020, tất cả các huyện vùng sâu, vùng xa và cả hải đảo cũng sẽ có.

PV: Vậy giải pháp đối với các địa bàn đặc biệt khó khăn là gì?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Trong Quyết định của Thủ tướng về xây dựng Quy hoạch đã dự liệu vấn đề này. Theo đó, về nguyên tắc, sẽ chủ yếu xây dựng các văn phòng công chứng xã hội hóa. Tuy nhiên, ở vùng khó khăn cho xã hội hóa, Thủ tướng đã quy định là Chủ tịch UBND cấp tỉnh đó có thể xem xét thành lập phòng công chứng của nhà nước, giống như trước năm 2006.

Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu xây dựng lộ trình để xã hội hóa 139 phòng công chứng hiện nay của nhà nước đã được thành lập từ thời gian đầu ở các đô thị và thành phố lớn. Theo đó, một mặt giúp cho vùng sâu vùng xa, một mặt xã hội hóa để tiết kiệm cho ngân sách ở những nơi xã hội hóa.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước