Ngày Thế giới không thuốc lá năm 2018 được Tổ chức Y tế thế giới chọn chủ đề "Thuốc lá và bệnh tim mạch". Thông qua chủ đề này, Tổ chức Y tế thế giới muốn thông tin tới cộng đồng mối liện hệ giữa việc sử dụng thuốc là và các bệnh tim mạch. Tổ chức Y tế thế giới cũng kêu gọi các quốc gia cần có những hành động kịp thời và hiệu quả nhằm làm giảm nguy cơ mắt và tử vong do các bệnh về tim mạch liên quan tới sử dụng thuốc lá.
Ở Việt Nam, năm 2018, Bộ Y tế tổ chức Tuần lễ quốc gia không thuốc lá từ ngày 25 - 31/5 nhằm nâng cao nhận thức về mối liên quan giữa thuốc lá và các loại bệnh tim mạch khác, bao gồm đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Chiến dịch cũng kêu gọi hành động và các biện pháp dành cho đối tượng then chốt, bao gồm chính phủ và người dân để hạn chế các nguy cơ về sức khỏe tim mạch do thuốc lá gây ra.
Tại buổi mít tinh, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế đã báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện Luật phòng chống thuốc và công bố giải thưởng của Bộ Y tế Việt Nam tại Hội nghị thế giới về "Thuốc lá hay sức khỏe" vì những thành tựu nổi bật trong theo dõi, giám sát sử dụng thuốc lá và các chính sách phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Theo đó, bản báo cáo cho thấy tỷ lệ tử vong do các bệnh không lây nhiễm hiện đang chiếm tới 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích tại Việt Nam, trong đó, sử dụng thuốc lá là một trong những nguyên nhân chính gây ra các bệnh không lây nhiễm.
Cũng theo điều tra tình hình sử dụng thuốc lá trên người trưởng thành ở Việt Nam, số tiền người dân Việt Nam chi ra để mua thuốc lá là 31 nghìn tỉ đồng. Bên cạnh đó, tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm do 5 nhóm bệnh trong số 25 bệnh do thuốc lá gây ra là ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa - hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ là 24 nghìn tỷ đồng mỗi năm.
"Ước tính có khoảng trên 20 triệu nam giới hút thuốc là. Đây là một con số rất lớn. Bỏ thuốc lá không phải là dễ. Tuy nhiên, chế tài xử phạt ở Việt Nam chưa đạt được như mong muốn. Ở các nước thì xử phạt nghiêm khắc, còn ở Việt Nam việc xử phạt khó khăn, mặc dù chúng ta đã có luật" - ông Lương Ngọc Khuê cho biết.
Dù tác hại của thuốc lá đối với sức khoẻ tim mạch đã được biết đến từ lâu, cũng như có nhiều giải pháp giảm thiểu tử vong và mắc bệnh, nhưng sự hiểu biết và quan tâm của cộng đồng về nguy cơ gây bệnh tim mạch của thuốc lá vẫn còn thấp.
Chính vì vậy, để phòng bệnh tim mạch và đột quỵ, các chuyên gia y tế khuyên mọi người dân cần: kiểm soát tốt huyết áp của mình; kiểm soát cholesterol máu; bỏ thuốc lá, hoặc không bắt đầu hút thuốc; tránh hút thuốc thụ động; ăn ít chất béo, ít muối, ăn nhiều trái cây, rau quả; giữ số cân hợp lý; vận động thường xuyên; hạn chế sử dụng rượu, bia và các chất kích thích khác; kiểm soát các bệnh khác như đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid.
Ngoài ra, tại buổi mít tinh, gần 100 bạn sinh viên đã có hoạt động trình diễn flashmob tại trụ sở Bộ Y tế, đồng thời diễu hành bằng xe đạp trên nhiều tuyến phố của thủ đô, với các thông điệp về cuộc sống không khói thuốc lá.
Những hình ảnh tại buổi mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá (25 - 31/5) tại Hà Nội:
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế tại sự kiện
PGS.TS Lương Ngọc Khuê công bố sự kiện diễu hành
Đông đảo các bạn sinh viên tham gia buổi mít tinh