"Trạng thái bình thường mới" càng đòi hỏi sự đồng lòng nhất trí cao hơn, quyết tâm phát triển lớn hơn, các giải pháp cải cách mạnh mẽ hơn.
Hộ nghị được tổ chức khi đại dịch một mặt tác động nghiêm trọng chưa từng có tới kinh tế thế giới, mặt khác đặt các quốc gia trước những thay đổi lớn về cách sống và vận hành nền kinh tế, đời sống xã hội.
Ít ngày sau khi nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp lần đầu tiên. Thông điệp của Hội nghị đó, như được thể hiện trong tên gọi, "Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước", đồng thời cũng là thông điệp xuyên suốt của Chính phủ trong suốt nhiệm kỳ.
Sau đó, Thủ tướng nhiều lần chủ trì các hội nghị với các doanh nghiệp và thường xuyên gặp gỡ, trao đổi về các khó khăn, vướng mắc. Thủ tướng nhiều lần nhấn mạnh, công tác xây dựng thể chế, pháp luật, cơ chế chính sách cần được đặc biệt chú trọng và phải coi là một nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng, ngay cả trong năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh tác động nghiêm trọng tới tình hình kinh tế - xã hội. Cơ chế, chính sách, quy định pháp luật nào không còn phù hợp, cản trở đối với phát triển kinh tế - xã hội thì cần phải sửa đổi, bổ sung ngay, không được chậm trễ.
Mới nhất, lần đầu tiên, Thủ tướng đã quyết định thành lập Tổ công tác thực hiện nhiệm vụ rà soát các quy định của pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển; kiến nghị sửa đổi, bổ sung để giải phóng nguồn lực tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội.
Về tình hình kinh tế xã hội, Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp lần này diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế Việt Nam chịu tác động nghiêm trọng từ đại dịch COVID-19, sau những năm đầu nhiệm kỳ phát triển mạnh mẽ với nhiều kỷ lục mới được thiết lập.
Mặc dù về cơ bản, Việt Nam đã giành thắng lợi trước đại dịch và nhận được sự đánh giá rất cao của cộng đồng quốc tế, đồng thời vẫn duy trì được mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng so với thế giới trong quý I, nhưng khó khăn trong thời gian tới là rất lớn. Kết quả khảo sát 126.565 doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy có tới 85,7% số doanh nghiệp trên cả nước bị tác động của dịch COVID-19.
Điều này là không thể tránh khỏi trong bối cảnh chung của thế giới. Tất cả các tổ chức quốc tế đều tỏ ra bi quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2020, trong đó IMF dự báo kinh tế toàn cầu sẽ ở mức (-3%) và có thể phải trải qua cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ cuộc đại suy thoái diễn ra vào những năm 1930.
Không chỉ có vậy. Nhiều ý kiến đã nhận định rằng đại dịch lần này sẽ làm đổi thay mạnh mẽ, nếu không nói là vĩnh viễn, cách thức nhân loại sống và vận hành, tổ chức nền kinh tế - xã hội, đặt các quốc gia đứng trước yêu cầu nhìn lại, tư duy lại về các nền tảng tồn tại và phát triển.
Trong bối cảnh đặc biệt đó, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp được tổ chức với quy mô lớn chưa từng có. Ngoài 6.000 đại biểu tham dự tại các điểm cầu, khoảng 800.000 doanh nghiệp, trên 5 triệu hộ kinh doanh và nhân dân cả nước có thể theo dõi trực tiếp qua các kênh tường thuật
Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam đã vừa tận dụng được "thời gian vàng" để chống dịch và giờ chính là "thời điểm vàng" để phục hồi kinh tế và bắt kịp, chuyển sang "trạng thái bình thường mới" của phát triển.
Để làm được điều đó, như lịch sử đã nhiều lần chứng minh, điều kiện tiên quyết là phải huy động được sự vào cuộc, sự chung sức, đồng lòng của cả nước. Hàng triệu người dân không chỉ có thể theo dõi trực tiếp hội nghị qua kênh truyền hình, mà còn có thể đóng góp ý kiến, đề xuất, hiến kế với Chính phủ, Thủ tướng qua các kênh khác nhau thông qua mạng internet. Như thế, phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" được mở rộng chưa từng có về cách thức thực hiện.
Nhìn lại nhiệm kỳ này, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, năng động, sáng tạo của Chính phủ, Thủ tướng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân và doanh nghiệp, mỗi lần gặp khó khăn, thách thức lớn, chúng ta đều mạnh mẽ vượt qua và tiến bước mạnh mẽ hơn.
Lần này, bên cạnh những khó khăn, thách thức chưa từng có, chúng ta cũng có những thuận lợi rất cơ bản và vẫn còn đó những tín hiệu cho thấy sức sống mạnh mẽ, bền bỉ của các doanh nghiệp. Khảo sát mới nhất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy, 55% doanh nghiệp sẽ tiếp tục duy trì quy mô kinh doanh như hiện nay trong quý III năm nay, 22% có ý định mở rộng quy mô sản xuất, chỉ có 21% có khả năng thu hẹp quy mô và hoạt động. Kết quả này tốt hơn nhiều so với cuối quý I vừa qua, khi 80% doanh nghiệp thừa nhận không thể trụ được nếu dịch bệnh kéo dài.
Cũng theo VCCI, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đã đạt mức cao nhất trong suốt 15 năm qua và niềm tin của người dân, cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục được khơi dậy. Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, với gói tín dụng và tài khóa với quy mô chưa từng có, trong bối cảnh nguồn tài chính còn hạn hẹp.
Trên thế giới, làn sóng chuyển dịch nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã bắt đầu và nhiều chuyên gia đánh giá, Việt Nam sẽ là một điểm đến an toàn, hấp dẫn hàng đầu sau đại dịch. Trong bảng xếp hạng sức khỏe tài chính của 66 nền kinh tế mới nổi của The Economist, Việt Nam đứng thứ 12, thuộc nhóm an toàn sau dịch COVID-19 nhờ các chỉ số tài chính ổn định. Còn Ngân hàng Thế giới đánh giá, kinh tế Việt Nam có thể sẽ khởi sắc trở lại sau khi nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội.
Dù muốn hay không, đất nước và nền kinh tế đang đứng trước một thời kỳ mới, rất khác so với trước đây. Bối cảnh bình thường cũ vốn đã đòi hỏi cải cách mạnh mẽ, trạng thái bình thường mới càng đòi hỏi sự đồng lòng nhất trí cao hơn, quyết tâm phát triển lớn hơn, các giải pháp cải cách mạnh mẽ hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!