Đến thời điểm nay, tại Trung Quốc đã ghi nhận dịch cúm A/H7N9 là đợt dịch lớn nhất cả về quy mô, số lượng mắc và tốc độ lây lan với hơn 425 trường hợp mắc xảy ra tại 14 tỉnh thành phố, trong đó có hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây có chung đường biên giới với Việt Nam.
Năm 2013, dịch cúm A/H7N9 bắt đầu được ghi nhận tại Trung Quốc, có nguồn gốc từ cúm gia cầm. Hiện chưa có bằng chứng khoa học về việc lây truyền từ người sang người. Bệnh diễn biến nặng, tỷ lệ tử vong cao khoảng 40%.
Năm 2014 tại Trung Quốc đã phát hiện hơn 120 người bệnh nhiễm cúm gia cầm A/H7N9, trong đó có ít nhất 32 ca tử vong. Năm 2015, Trung Quốc tiếp tục ghi nhận 124 ca mắc cúm A/H7N9. Năm 2016, Trung Quốc lại thêm 225 trường hợp mắc mới trong đó có 94 ca tử vong.
Trong 4 đợt dịch cúm này, ngành y tế Việt Nam luôn triển khai quyết liệt và đồng bộ các biện pháp nhằm ngăn chặn từ biên giới phía Bắc, không để virus cúm A/H7N9 lan truyền vào nước ta kể cả trên gia cầm và trên người.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh, Bộ Y tế đã liên tục khuyến cáo mức độ nguy hiểm và sự tàn phá sức khỏe con người, thiệt hại to lớn về kinh tế của dịch cúm A/H7N9 nếu xâm nhập vào Việt Nam. Từ cuối năm 2016, Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo mạnh mẽ về sự nguy hiểm của đợt dịch cúm A/H7N9 lần thứ năm sẽ xuất hiện trong năm 2017.
Ngay từ đầu năm nay, ngành Y tế liên tục cảnh báo khẩn cấp, đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh; tăng cường ngăn chặn, bắt giữ gia cầm nhập lậu qua biên giới, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh trái phép, không buôn bán, vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn; chủ động giám sát dịch bệnh trên đàn gia cầm. Cơ quan y tế tại các cửa khẩu đã giám sát chặt chẽ để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh xuất nhập cảnh.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!