Hiện nay, các trường tiểu học trên toàn quốc đang triển khai
dạy học cả ngày, nghĩa là các em học sinh phải ăn ngủ tại trường vào buổi trưa.
Việc này đòi hỏi một nguồn nhân lực và cơ sở vật chất rất lớn. Tuy nhiên, do
chưa có đội ngũ riêng để phục vụ cho những sinh hoạt của học sinh tại trường
nên phần lớn các giáo viên vẫn phải kiêm nhiệm luôn việc này.
Liệu khi phải đảm nhiệm thêm cả công việc cấp dưỡng, giáo
viên có bị áp lực hay không, nhất là ở những trương vùng sâu vùng xa?
Một ngày làm việc của cô giáo Chinh, trường tiểu học Hoa
Trung, Chiêm Hóa, Tuyên Quang bắt đầu từ lúc 6h45 và kết thúc vào lúc 17h. Do
trường cách nhà hơn 30km, đường xá đi lại khó khăn nên cô phải trọ tại nhà dân
một tuần chỉ về thăm gia đình một lần.
Ngoài giờ lên lớp tăng thêm, buổi trưa các cô phải sắp xếp
cho học sinh ăn trưa và bố trí chỗ ngủ cho các em. Vì vậy, giáo viên hầu như
không có thời gian nghỉ ngơi trước khi bước vào giờ dạy buổi chiều. Công việc
áp lực như vậy nhưng giáo viên cũng không được hưởng thêm một khoản phụ cấp hay
đãi ngộ nào cho những giờ làm tăng thêm. Đối với những vùng thuận lợi, tiền bán
trú buổi trưa sẽ do cha mẹ học sinh đóng góp nhưng ở những vùng núi như Nam
Thắng thì không khả thi.
Các giáo viên vùng khó khăn vốn đã chịu nhiều thiệt thòi cả về vật chất và tinh thần. Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có chính sách phụ cấp cho giáo viên các vùng khó khăn khi dạy học cả ngày để các thầy cô yên tâm công tác.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!