Làm thế nào để kinh tế tư nhân trở thành động lực của nền kinh tế?
Hội nghị Trung ương lần thứ 5 vừa qua đã thể hiện rõ quan điểm của Đảng về việc tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng sáng 15/6, đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) đã đặt câu hỏi về các biện pháp nhằm thu hút nguồn lực từ khu vực kinh tế tư nhân, giúp các doanh nghiệp đóng góp lớn hơn vào tăng trưởng của nền kinh tế.
Trả lời trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, để thu hút được nguồn lực từ khu vực kinh tế tư nhân, vấn đề quan trọng đầu tiên là phải xác lập được môi trường đầu tư kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, xác lập quyền bảo vệ tài sản, bảo vệ lợi ích, quyền cạnh tranh bình đẳng và tiếp cận các nguồn lực.
Bên cạnh đó, cần phải khuyến khích thu hẹp lĩnh vực kinh doanh mà doanh nghiệp có điều kiện, khuyến khích mở rộng đầu tư trong các lĩnh vực miễn giảm thuế, hỗ trợ chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp. Một số biện pháp khác được đưa ra là xóa bỏ các rào cản về chính sách, các biện pháp hành chính can thiệp vào thị trường; xây dựng các chính sách tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân tham gia vào cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; khẩn trương hoàn thiện pháp luật về đất đai, tài nguyên môi trường, tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân có thể tiếp cận công khai minh bạch.
Đặc biệt, Nghị quyết 19 và 35 của Chính phủ đề cập tới việc cải cách hành chính, bảo vệ môi trường đầu tư kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp, giảm chi phí cho doanh nghiệp là những nghị quyết rất quan trọng để tạo tiền đề, khuyến khích, thúc đẩy kinh tế tư nhân, phát triển cũng như nguồn lực từ tư nhân và phát triển đất nước.
Cần định hướng lại để thu hút đầu tư nước ngoài một cách đúng hướng
Đối với khu vực đầu tư nước ngoài, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, nhu cầu thu hút nguồn vốn này đối với Việt Nam là hết sức cần thiết và nguồn lực bổ sung quan trọng cho đầu tư phát triển. Tuy nhiên, tình hình cũng đã có nhiều thay đổi. Qua thực tiễn 30 năm, Việt Nam đã rút ra được rất nhiều bài học, trong đó có những mặt tốt và hạn chế của đầu tư nước ngoài.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn trước Quốc hội (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)
"Chúng ta cần phải có những định hướng lại để làm sao chủ động thu hút đầu tư nước ngoài một cách đúng hướng. Hiện nay một số nước đã thay đổi các thế hệ công nghệ của mình và đang muốn chuyển dần công nghệ sử dụng nhiều năng lượng, nhiều lao động, nhiều tài nguyên nguyên vật liệu ra các nước để tận dụng lợi thế. Việt Nam của chúng ta hiện nay đang có những lợi thế này thì nên dùng làn sóng đầu tư để thay đổi các công nghệ mới của họ và chuyển các công nghệ đó sang mình. Chúng ta cũng phải hết sức thận trọng trong thu hút đầu tư để làm sao tiếp cận được ngay các công nghệ mới, công nghệ tốt, sử dụng ít hơn các nguồn tài nguyên cũng như nguồn lực của lao động cũng như năng lượng, những lợi thế của chúng ta để mang lại hiệu quả tốt nhất", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Cũng tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã giải đáp câu hỏi: "Tại sao chúng ta lại đánh giá môi trường đầu tư của chúng ta tốt?".
"Trước những làn sóng đầu tư hiện nay, có thể khẳng định môi trường đầu tư của chúng ta tốt. Trước hết, chúng ta có nhiều lợi thế so sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới hiện nay chúng ta có vị trí thuận lợi trong khu vực Đông Nam Á. Chúng ta có nền chính trị ổn định không phức tạp như những nước khác. Dân số của chúng ta đông, nguồn nhân lực của chúng ta tốt, môi trường của chúng ta tốt, hạ tầng được cải thiện, cơ chế chính sách được xây dựng đồng bộ và hết sức cạnh tranh", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu trước Quốc hội.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, các tổ chức quốc tế đánh giá môi trường đầu tư của Việt Nam hiện nay đang ở thứ bậc cao. Theo World Bank, vào năm ngoái, Việt Nam đã tăng lên 9 bậc từ 91 lên 82 về môi trường kinh doanh. UNCTAD cũng đánh giá Việt Nam xếp thứ 12 về điểm đầu tư tốt nhất trên thế giới. Các tổ chức quốc tế khác đánh giá nước ta hội tụ các điều kiện tốt để nhà đầu tư đến đây và tận dụng. Bên cạnh đó, Việt Nam còn kết nối được với thị trường ASEAN hơn 600 triệu dân cùng 12 Hiệp định thương mại tự do.
Từ những thuận lợi có được, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh nước ta cần chủ động hơn để thu hút đầu tư: "Chúng ta cần cải thiện năng lực cạnh tranh của các địa phương, năng lực cạnh tranh đó gồm hạ tầng về quy hoạch, về cơ chế, chính sách, về thủ tục hành chính, chuẩn bị sẵn sàng đào tạo nguồn nhân lực, các vấn đề về mặt bằng, năng lượng. Tất cả những vấn đề này chúng ta chuẩn bị tốt thì sẽ đón được một làn sóng đầu tư tốt theo định hướng, theo nhu cầu của chúng ta, mong muốn liên quan đến công nghệ mới, liên quan đến thân thiện môi trường, liên quan đến kết nối doanh nghiệp hỗ trợ thúc đẩy kinh tế trong nước và doanh nghiệp trong nước cùng phát triển. Đây là những mục tiêu chính của đầu tư nước ngoài trong thời gian tới".
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!