Ông Trần Trung Nghĩa, xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang đã có hơn 10 năm gắn bó với loại hình du lịch homestay. Trung bình mỗi năm gia đình ông đón gần 200 lượt khách, chủ yếu là khách nuớc ngoài. Tuy đầu tư hàng trăm triệu đồng để trang trí nhà cửa đón khách, nhưng đến nay gia đình ông vẫn chưa có thành viên nào có thể nói tiếng Anh.
Ông Trần Trung Nghĩa, Xã Mỹ Hòa Hưng cho biết: “Mình chưa qua trường lớp đào tạo du lịch, giao tiếp với khách nước ngoài chủ yếu bằng cử chỉ”.
Rào cản về ngôn ngữ không phải là vấn đề duy nhất đối với những người nông dân làm du lịch bởi còn rất nhiều điều về du lịch khác mà người nông dân cần phải trang bị. Tuy nhiên, đào tạo những kỹ năng gì cho người nông dân để họ làm du lịch tốt hơn mà vẫn giữ được những nét riêng như vốn có cũng là một vấn đề cần lưu ý.
Ông Trịnh Công Lý, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh Sóc Trăng cho rằng: “Người dân đồng bằng chân tình, mến khách, cởi mở, nhưng họ thiếu về nghiệp vụ du lịch, nên cần được bồi dưỡng về nghiệp vụ. Trong đó bao gồm những yêu cầu cần thiết đối với hoạt động du lịch, yêu cầu đối với người làm du lịch để họ có thể giới thiệu những nét đẹp, những điểm đến ở địa phương của họ”.
Tiến sĩ Hà Văn Siêu, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch cho biết thêm: “Chỉ cần những kiến thức về ứng xử trong môi trường đa văn hóa, tạo sự hài lòng cho du khách. Phải đảm bảo tính chân thực ở các đồng quê, điều đó mới có giá trị”.
Năm 2012, Đồng bằng Sông Cửu Long đón hơn 1,6 triệu khách quốc tế và con số này sẽ còn tăng trong thời gian tới khi ngành du lịch các địa phương trong vùng đang đẩy mạnh liên kết để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch.
Trong đó, để du lịch cộng đồng, du lịch nông dân phát triển và thu hút hơn nữa thì chính những người nông dân, những người chủ nhân của vùng đất Đồng bằng Sông Cửu Long trù phú cần được hỗ trợ nhiều mặt, đặc biệt là về kỹ năng, nghiệp vụ du lịch. Bởi để phát triển nguồn nhân lực du lịch ở Đồng bằng Sông Cửu Long tốt nhất vẫn là phát huy nguồn lực tại chỗ.