Mô hình nông dân góp đất cùng doanh nghiệp phát triển là một trong những cách thức liên kết nhiều địa phương đang xây dựng. Tuy nhiên, qua một thời gian triển khai đã nảy sinh một số bất cập, đặc biệt là minh bạch trong việc chia lợi tức. Nhằm tìm hướng đi bền vững, có lợi ích cho người dân và doanh nghiệp, Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam cùng với tổ chức Mạng lưới Đất rừng (Forland) đã tổ chức tọa đàm về vấn đề này.
Nông dân góp đất cùng DN trồng cao su. Đất hộ góp tương đương 10% giá trị đầu tư cho 1 ha và khi cao su đến tuổi khai thác, hộ sẽ được hưởng 10% lợi nhuận. Người dân sẽ được chia lợi nhuận chia thành 2 đợt trong năm. Nhưng, khoảng 75% số hộ tham gia Khảo sát ở mô hình này cho biết, thu nhập của hộ giảm 40 - 80% so với 10 năm trước khi tham gia góp đất trồng cao su.
Đây là một khảo sát được các chuyên gia của tổ chức mạng lưới đất rừng Forland công bố tại tọa đàm về thực hiện mô hình nông dân góp đất trồng cao su. Những bất cập từ mô hình này rất rõ nét.
Theo các chuyên gia, minh bạch trong chia lợi tức là nhược điểm lớn nhất của mô hình góp đất để phát triển cây hàng hóa như cao su tại Tây Bắc nói riêng và nông nghiệp Việt Nam nói chung.
Cũng theo các chuyên gia trong tọa đàm, để mối liên kết giữa nông dân và DN thực sự minh bạch và bền vững trong việc phát triển cây hàng hóa, chính quyền cũng không nên có các can thiệp chính sách sâu vào các thỏa thuận lợi ích kinh tế ràng buộc giữa hai bên, chỉ nên là vai trò trung gian, trọng tài khi các mâu thuẫn phát sinh trong quá trình hợp tác kinh tế này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!