Nhu cầu của thế giới với sản phẩm cà phê dự báo sẽ đạt khoảng 500 tỷ USD trong những năm tới. Trong khi đó, thị trường trong nước cũng có tín hiệu tốt với tốc độ tăng trưởng sản phẩm cà phê đạt 2 - 2,5%.
Tuy nhiều tiềm năng nhưng theo Hiệp hội Cà phê - Ca Cao, hiện tỷ lệ cà phê chế biến sâu chiếm chưa đến 10% sản lượng cà phê cả nước, do mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân còn thấp. Chính điều này tạo thành rào cản để sản phẩm cà phê đạt được giá trị cao hơn.
Với ông H'Cư và nhiều nông dân cà phê ở thị xã Buôn Hồ (Đăk Lăk), hàng chục năm làm cà phê là những hình ảnh lặp đi lặp lại "được mùa - mất giá - mất mùa - được giá".
Khi chuyển hướng trồng cà phê bền vững với doanh nghiệp, các nông hộ được đi tập huấn, học cách sản xuất mới với phân bón, thuốc trừ sâu cũng như quy trình thu hoạch.
Ông Thảnh (thị xã Buôn Hồ, Đăk Lăk) cũng nhận ra những thay đổi đối với vườn cà phê nhà mình khi có lãi thêm hàng chục triệu đồng/ha.
Từ một vài hộ, đến nay đã có gần 1.000 nông hộ sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn UTZ. Thế nhưng, để có kết quả này, quá trình thuyết phục nông dân là không đơn giản khi phải mất hàng năm trời.
Vùng cà phê Buôn Hồ sản xuất theo những tiêu chuẩn mới có sản lượng khoảng 2.700 tấn. Con số này dự kiến có thể tăng lên 5.000 tấn. Tuy nhiên, theo doanh nghiệp, sản lượng này chưa thấm vào đâu so với năng lực xuất khẩu hiện tại của đơn vị.
Theo Bộ NN&PTNT, cà phê Việt Nam đang đối mặt với khá nhiều thách thức và để tiếp tục đạt mức tăng trưởng ấn tượng, sản xuất cà phê bền vững, cần phải thay đổi phương thức canh tác, chú trọng liên kết giữa doanh nghiệp - nông dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!