Theo thống kê, đã có 11/13 tỉnh, thành ĐBSCL công bố tình trạng thiên tai do hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng; 160.000ha lúa tại khu vực ĐBSCL bị thiệt hại do xâm nhập mặn, 86% trong số này, lúa chết lên đến trên 70%; khoảng 150.000 hộ gia đình đang bị thiếu nước sinh hoạt. Thống kê cũng cho biết, 4 tỉnh bị thiệt hại nặng nhất là Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Bến Tre. Riêng tỉnh Trà Vinh bị thiệt hại tới 550 tỉ đồng, Sóc Trăng là 300 tỉ đồng.
Biến đổi khí hậu với những biểu hiện xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt ở ĐBSCL được dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp. Những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu diễn ra nhanh và nghiêm trọng hơn dự báo ở khu vực này càng đặt ra sự cấp thiết phải có các giải pháp tổng thể để thích ứng, gắn với các quy hoạch phát triển ở khu vực.
Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện đa số các địa phương ở ĐBSCL đều chưa lồng ghép yếu tố biến đổi khí hậu vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội... Đây rất có thể là nguyên nhân dẫn đến những thiệt hại trong thời gian tới do biến đổi khí hậu gây ra. Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang hoàn thiện xây dựng “Dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long” để triển khai trong giai đoạn 2016 - 2020 với số vốn ban đầu do Ngân hàng Thế giới hỗ trợ là hơn 300 triệu USD (hơn 8.000 tỷ đồng).
Xung quanh vấn đề này, phóng viên VTV đã có cuộc phỏng vấn ông Trương Đức Trí, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.