Cần xử lý nghiêm các đối tượng phát tán tin giả

Ngọc Thành - Quang Hiệu - Văn Khương (Ban Thời sự)-Thứ hai, ngày 11/03/2019 19:59 GMT+7

Một tài khoản giả mạo Ban tuyên giáo Trung ương đã được lập trên Facebook.

VTV.vn - Gần đây liên tục xảy ra tình trạng làm giả tài khoản của cơ quan Đảng và Nhà nước trên mạng xã hội để cung cấp các thông tin giả gây hoang mang dư luận.

Tối 10/3, một tài khoản giả mạo Ban tuyên giáo Trung ương đã được lập trên Facebook để đưa ra những ý kiến không đúng về dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm. Những vụ việc này đã cho thấy cần xử lý nghiêm khắc những đối tượng phát tán thông tin giả mạo, cũng như sự tỉnh táo của những người tiếp nhận thông tin.

"Cảnh giác với chiêu bài bảo vệ nước nắm truyền thống" là tên một bài biết được đăng trên tài khoản Facebook có tên gọi "Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam". Bài viết này đã nhanh chóng nhận được rất nhiều lượt like và bình luận. Có không ít bình luận mang tính chất kích động. Tuy nhiên, Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định không có tài khoản Facebook này.

Ông Nguyễn Huy Ngọc - Chánh Văn phòng Ban Tuyên giáo Trung ương nói: "Thời gian qua có nhiều tài khoản trên mạng xã hội mạo danh các cơ quan, đơn vị, tổ chức cá nhân, trong đó có Ban Tuyên giáo. Việc làm này có tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động các tổ chức, cá nhân có liên quan, vi phạm các quy định luật pháp về sử dụng, đăng tải nội dung thông tin. Chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng sớm vào cuộc, xem xét làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật".

Trên môi trường mạng xã hội như Facebook, một thông tin giả có tốc độ lan truyền rất nhanh. Điển hình như quyết định giả của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà về việc công nhận Thị xã Đông Hòa là đô thị loại 3 trực thuộc tỉnh Phú Yên nhằm thổi giá đất tại đây lên cao. Một chủ một trang Facebook bán hàng online có tên "Đầm bầu" đã giả mạo và thổi phồng tác hại của dịch tả lợn châu Phi để câu like bán hàng và mới nhất là trang Facebook giả mạo Ban Tuyên giáo Trung ương cung cấp thông tin giả về dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm.

Ông Lê Quốc Vinh - chuyên gia truyền thông nói: "Các trang facebook giả mạo đánh đúng tâm lý của cư dân mạng. Cư dân mạng hiện đang có thái độ đọc thông tin rất hời hợt không thẩm tra nghiên cứu kỹ, có khi chỉ đọc 1 - 2 câu đã vội suy luận. Đó là một hệ luỵ, mặt trái của mạng xã hội. Nếu ta không thận trọng là sẽ bị lừa dối, bịt thế lực nào đó sẽ dắt mũi chúng ta".

"Rất mong cơ quan báo chí, truyền thông tích cực chủ động tham gia vào việc đấu tranh phản bác với những hành vi giả mạo đăng tin phát thông tin sai sự thật xuyên tạc, nhất là những vấn đề nhạy cảm phức tạp ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân để bạn đọc người dân hiểu có lựa chọn đúng đắn, phù hợp đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng hiện nay", ông Nguyễn Huy Ngọc nói.

Việc lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong 60 ngày là bước thứ 4 trong quy trình 7 bước để xây dựng một Tiêu chuẩn quốc gia. Sau khi lấy ý kiến dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm sẽ tiếp tục được chỉnh lý và hoàn thiện trước khi được Cơ quan tiêu chuẩn quốc gia tổ chức thẩm định theo đúng quy định hiện hành.

Liên quan đến vụ thổi phồng tác hại của dịch tả lợn châu Phi của chủ tài khoản Facebook "Đầm bầu", chiều 11/3, lãnh đạo Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và truyền thông đã có buổi làm việc với chủ tài khoản này. Người này đã có mặt rất đúng giờ là tỏ thái độ ăn năn hối hận về hành vi của mình, đồng thời tự nhận do nhận thức kém nên đã chia sẻ thông tin không rõ nguồn gốc. Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử đã lập biên bản hành chính và chủ tài khoản Facebook "Đầm bầu" có thể bị xử phạt lên tới 20 triệu đồng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước