Tuần qua, một sự kiện đã được dư luận cả thế giới chú ý là việc Tòa thượng thẩm ở thành phố San Francisco, bang California, Hoa Kỳ lần đầu tiên tuyên buộc Monsanto - một trong những công ty hóa chất lớn nhất thế giới - phải bồi thường 289 triệu USD cho ông Dewayne Johnson, một cựu nhân viên làm vườn bị ung thư do sử dụng thuốc diệt cỏ Roundup của hãng này. Diễn biến về phiên tòa thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận vì hoạt chất glyphosate đang được sử dụng rất lớn tại Việt Nam, tới 30.000 tấn/năm (tương đương 1/3 lượng thuốc bảo vệ thực vật nói chung).
Glyphosate trở thành vấn đề gây "bão" từ tháng 3/2015, khi Cơ quan Nghiên cứu ung thư Quốc tế trực thuộc Tổ chức Y tế Thế giới công bố kết luận glyphosate là có khả năng gây ung thư cao. Trong khi đó, Glyphosate là hoạt chất được sử dụng ở Việt Nam từ cách đây hơn 20 năm.
Cách đây 3 năm, khi có sự tranh cãi ở châu Âu, ngay lập tức, Cục bảo vệ thực vật đã báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Sau đó, Bộ đã xem xét và quyết định dừng cho đăng ký mới.
Hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn đang chờ phán quyết của phiên phúc thẩm tại Mỹ. Ngay khi có đủ bằng chứng gây hưởng tới sức khỏe con người, Bộ sẽ lập tức loại bỏ hoạt chất glyphosate ra khỏi danh mục được phép sử dụng.
Tuy nhiên, vụ việc này còn cho thấy một vấn đề đáng lo ngại hơn, đó là tình trạng lạm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp ở Việt Nam chưa được cải thiện, bất chấp cảnh báo từ các nhà khoa học.
Glyphosate đang bị lạm dụng ở Việt Nam. Điều đó gây nên những hậu quả gì? Trả lời cho câu hỏi này, tờ Lao động cho hay hiện nay ở nhiều vùng, đặc biệt là Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ, đất thoái hóa nặng nề bởi tình trạng lạm dụng hóa chất diệt cỏ.
Trên tờ Tuổi trẻ, giáo sư Võ Tòng Xuân - một chuyên gia đầu ngành về nông nghiệp nhận định trong thời gian dài, nông dân, chính quyền và thậm chí là nhiều nhà khoa học Việt Nam chỉ quan tâm đến phần trên của cây trồng mà không chú ý đến những thiệt hại bên dưới, tức là phần rễ cây. Việc sử dụng quá nhiều phân bón và là thuốc bảo vệ thực vật đã ảnh hưởng xấu đến độ màu mỡ của đất, đồng thời gây ô nhiễm môi trường.
Để giải quyết vấn đề tận gốc rễ, để bắt kịp thế giới trong giai đoạn cách mạng xanh thứ hai này, giáo sư Võ Tòng Xuân kiến nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phải mạnh tay nghiêm cấm việc nhập khẩu các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất gây hại cho sức khỏe như Roundup, đồng thời cần khuyến khích nông dân sớm từ bỏ kỹ thuật nuôi trồng chuyên hóa học để áp dụng biện pháp hữu cơ vi sinh, an toàn cho mình và cộng đồng.