Cây đổ đè chết học sinh, đi học mùa mưa cần chú ý gì để tránh gặp nạn?

P.V-Thứ tư, ngày 27/05/2020 10:41 GMT+7

Hiện trường xảy ra vụ việc xảy ra tại sân Trường THCS Bạch Đằng (Ảnh: TTXVN)

VTV.vn - Học sinh nên tránh xa các gốc cây, cột điện, đừng đùa giỡn dưới sân khi trời mưa, trơn trượt… là những điều học sinh cần chú ý khi tới trường.

Để đảm bảo an toàn khi trời mưa, các em học sinh nên di chuyển vào lớp, không xuống dưới sân, hay đứng dưới các gốc gây. Khi trời mưa gió, sân trường rất dễ trơn trượt cần phải tránh chạy giỡn. 

Trong giờ ra chơi, không nên tụ tập dưới sân trường mà chỉ nên sinh hoạt ở trong lớp, tránh xa các gốc gây, cột điện có nguy cơ bật đổ, tránh đứng dưới đường dây điện.

Lúc ra về khi gặp mưa to, gió lớn các em nên đứng trong khu vực an toàn của trường để đợi phụ huynh đến đón, không tự động ra về hay ra khỏi trường.

Cách nhận biết cây có nguy cơ bật gốc

Một nhân viên kỹ thuật của Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM cho biết trên tờ Pháp luật, những biểu hiện thấy bằng mắt như cây bị sam, bọng, hiện tượng nhúm gốc, nghiêng... là những dấu hiệu cho thấy không an toàn. Nếu người dân thấy những tình trạng này thì nên liên hệ ngay với cơ quan chức năng.

Phải thường xuyên theo dõi cây xanh trong trường

TS Lê Minh Trung - nguyên giám đốc Trung tâm nghiên cứu Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM trả lời trên báo Tuổi trẻ cho biết: Cây xanh trong trường phải cắt tán cho gọn để phần tán không nặng gây bật gốc, tét nhánh.

Đối với cây xanh trên đường phố thì cơ quan chức năng sẽ có kế hoạch kiểm tra định kỳ, kịp thời phát hiện cây bị sâu mục và xử lý. Còn tại trường học, khi có dấu hiệu rõ ràng thì trường mới báo, do đó các cây trong trường ít được kiểm tra hơn.

"Người trong nghề có thể nhìn qua các dấu hiệu trên sẽ biết cây có hư hại, ruỗng thân hay bị sâu mọt và có hướng xử lý, ở trường thì các giáo viên, nhân viên khó nhận ra. Ở trường học, đối với cây phượng vĩ thì trồng được, còn riêng cây bàng tuyệt đối không nên.

Hầu hết các trường thường trồng cây phượng vĩ vì gắn với học trò nhưng phải có biện pháp theo dõi, cắt tỉa thường xuyên. Với các cây to lâu năm cần quan sát, kiểm tra theo dõi phần thân, khi thấy mối mọt hay thân cây bị sâu cần báo cho công ty cây xanh để kiểm tra, tránh sự cố đáng tiếc.

Hoặc các trường học có thể phối hợp với phía công ty cây xanh để kiểm tra định kỳ hệ thống cây trong trường" - ông Trung nói.

Để đảm bảo an toàn cho học sinh, nhà trường cũng cần thường xuyên kiểm tra độ an toàn của cây xanh trong trường. Mỗi tháng, các trường nên nhờ công ty chăm sóc cây xanh tới cắt tỉa bỏ bớt những cành lớn, dễ gây nguy hiểm... Ngoài ra, trước khi trồng cây xanh trong trường cần nhờ công ty cây xanh tư vấn.

Cha mẹ học sinh cần nhắc con tránh xa các gốc cây, vì nếu trời mưa lớn, đất mềm, với những cây rễ cạn, mục gốc rất dễ bị đổ xuống. Đặc biệt, các em học sinh cũng nên ngồi tránh xa các tủ gỗ cao, thận trọng khi chơi dưới gốc cây mùa mưa gió, không đứng gần cột điện, đường dây điện…

Trước đó, vào sáng 26/5, tại sân Trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP.HCM), một cây phượng bất ngờ bật gốc vào thời điểm nhiều học sinh chuẩn bị vào lớp. Ông Nguyễn Văn Phúc, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết có 13 học sinh lớp 6 bị thương, sau khi đến bệnh viện, 1 học sinh nam bị thương nặng đã tử vong.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước