Cây xanh đô thị: Không phải cứ thích là trồng!

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 30/05/2020 06:32 GMT+7

VTV.vn - Các cây xanh trồng cho khu vực đô thị có quy chuẩn và cách chăm sóc riêng.

Chỉ 2 ngày sau khi vụ tai nạn thương tâm do cây phượng bật gốc tại trường THCS Bạch Đằng diễn ra, lại có thêm 2 vụ cây bật gốc, đổ ngã khác tại Đăk Lăk và TP.HCM. Rất may, không có thiệt hại về người.

Các vụ đổ cây đều có điểm chung là những cây phượng có phần rễ bị trơ trụi, gốc mục ruỗng. Tiến sĩ Đinh Quang Diệp, chuyên gia về cây xanh đô thị lý giải, phần lớn nguyên nhân cây gẫy đổ là do hệ rễ bị xâm hại, không đủ sức nuôi tán cây to lớn ở trên. Tán cây phát triển mạnh trong khi hạ tầng và không gian sinh trưởng, phát triển ngầm bên dưới không đủ điều kiện phát triển cân đối, phần đất dành cho rễ lại hạn hẹp

"Xâm hại có nhiều nguyên nhân như cây trồng ngoài đường, người ta đào đường khiến hệ rễ bị đứt hoặc khi làm bồn xi măng sẽ ảnh hưởng đến không gian dành cho sự phát triển hệ rễ" - Tiến sĩ Đinh Quang Diệp nói.

Cây xanh đô thị: Không phải cứ thích là trồng! - Ảnh 1.

Cây phượng bị bật gốc tại Trường THCS Bạch Đằng làm 18 học sinh bị thương, trong đó 1 học sinh tử vong

Trước đó, trong cuộc họp báo về vụ việc cây phượng trong sân trường THCS Bạch Đằng bị bật gốc, thông tin Sở Xây dựng TP.HCM đưa ra là cây phượng không phù hợp trồng trong đô thị, đặc biệt là những cây lớn, lâu năm.

Ông Lê Quang Đạo, Phó Trưởng phòng Quản lý hạ tầng, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết: "Những cây phượng có thân trên 30 cm thì nên bỏ và cũng không phù hợp đô thị"

Trên thực tế, phượng vĩ được trồng rất nhiều tại các đô thị lớn ở Việt Nam, đặc biệt trong trường học vì là loại cây dễ trồng, tán đẹp và hoa đẹp. Theo các chuyên gia cây xanh, vấn đề không phải chỉ riêng với cây phượng, không chỉ riêng trường học mà tất cả các cây xanh trồng trong đô thị từ khâu trồng đến các khâu chăm sóc, kiểm tra phải là một quy trình khép kín, được thực hiện cẩn trọng và thường xuyên rà soát.

Tiến sỹ Đinh Quang Diệp cho rằng: "Muốn trồng cây phượng đáp ứng yêu cầu thì phải trồng nó từ một cây nhỏ, khoảng 3-3,5 mét, đường kính rễ khoảng 10 cm và nuôi dưỡng thì hệ rễ sẽ phát triển bình thường, định kỳ chăm sóc. Nếu trường học không đủ đất, không gian sinh trưởng thì chúng ta nên trồng cây khác"

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, tuổi thọ của cây đô thị ngắn hơn tuổi thọ của cây sống ngoài tự nhiên nên rất cần sự kiểm tra nghiêm ngặt của các chuyên gia để đốn hạ kịp thời, tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.

Sau vụ cây phượng đổ đè vào học sinh, Hà Nội rà soát cây lâu năm trong gần 2.000 trường Sau vụ cây phượng đổ đè vào học sinh, Hà Nội rà soát cây lâu năm trong gần 2.000 trường

VTV.vn - Toàn bộ cây xanh trong khuôn viên của gần 2.000 trường học trên địa bàn Thủ đô Hà Nội sẽ được rà soát, xử lý để đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước