Tại Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, mỗi ngày trung bình có hơn 1.000 ca trẻ em đến khám dinh dưỡng. Gần một năm tuổi, nhưng cháu Vũ Chí Khang chỉ cân nặng chưa tới 6kg. Vừa sinh đứa con đầu lòng niềm vui chưa bao lâu, nay vợ chồng anh Vũ Công Chính và chị Đặng Thị Huyền Trân phải đối diện với nỗi lo lắng vì thể trạng của con.
BS Đào Thị Yến Phi, Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM nhìn nhận, chính bất cập trong khẩu phần ăn hàng ngày, trong đó có tình trạng thiếu các vi chất dinh dưỡng như vitamin A, D, kẽm, sắt… khiến trẻ em hiện nay không tận dụng hết tiềm năng phát triển chiều cao, sức bền. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trẻ bị thấp còi. Hiện nay, tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi thấp còi chiếm khoảng 25%. Như vậy, cứ 4 trẻ thì có 1 bị thấp còi.
Các điều tra gần đây của ngành y tế cho thấy cứ 10 năm, người Việt Nam chỉ tăng trung bình 1 cm chiều cao và ở những vùng có điều kiện kinh tế tốt hơn thì đạt được 1,5 cm. PGS.TS Trương Quang Định, PGĐ Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM, người có nhiều năm gắng liền với công tác chăm sóc trẻ em đã có những phân tích: Trẻ suy dinh dưỡng thấp còi, thừa cân, không chỉ là hậu quả của nghèo đói mà còn là hậu quả của tình trạng thiếu hiểu biết, thiếu hướng dẫn về khoa học dinh dưỡng trong việc chăm sóc trẻ nhỏ của những bậc phụ huynh.
Thực tiễn nóng bỏng mới đây khi rất nhiều bệnh dịch bùng phát cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ nhỏ được giới y tế đã nhận ra rằng, hậu quả tử vong có sự góp phần của thể trạng suy dinh dưỡng, đã hạn chế khả năng đề kháng của nhiều trẻ. Các nghiên cứu khoa học cũng chỉ rõ, trẻ suy dinh dưỡng có nguy cơ tử vong gấp 9 lần những trẻ không suy dinh dưỡng.
Phóng sự sau sẽ phản ánh chi tiết tình trạng này: