Chặt chém du khách: Chỉ là những hạt sạn nhỏ?

VTV News-Thứ sáu, ngày 03/05/2013 14:50 GMT+7

Phóng viên VTV trao đổi với chuyên gia tâm lý Phạm Mạnh Hà, Giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Ảnh: VTV News)

Trong dịp lễ 30/4, 1/5, trên các báo xuất hiện những bài viết về việc chặt chém khách du lịch. Để bàn luận về vấn đề này, phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tâm lý Phạm Mạnh Hà, Giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Mới đây, đích danh Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cùng các quan chức đầu ngành du lịch đã đến gặp và xin lỗi một du khách người Australia. Lý do là du khách này đi xích lô tại Hà Nội khoảng 5km, nhưng người lái xích lô đã ép giá tới 1,3 triệu đồng. Khi nhận lại 1,3 triệu đồng từ Công an phường Hàng Trống, vị du khách đã gửi lại 150.000 đồng để trả công người lái xích lô và cho rằng, bất cứ quốc gia nào cũng có người tốt kẻ xấu. Đây chỉ là một trong những hạt sạn nhỏ mà bà từng gặp.

Ngay sau vụ việc này, chỉ cách đây vài hôm lại xảy ra chuyện Công an quận Cầu Giấy xử lý vụ việc du khách nước ngoài đi taxi 7km, bị tài xế ép trả 980.000 đồng, trong khi thực ra số tiền trên đồng hồ là 98.000 đồng.

Những câu chuyện này khiến chúng ta phải suy ngẫm, có thực sự những việc này chỉ là những hạt sạn nhỏ trong cuộc sống mà chúng ta không cần phải lưu tâm? Liệu đây chỉ là những sự việc đơn lẻ, hay nó là vấn đề vẫn tồn tại lâu nay? Với những người lái xích lô hay lái taxi, trong những vụ việc này có đơn thuần chỉ là quan hệ giữa cá nhân họ với các du khách, hay chính họ khi đó là đại diện cho hình ảnh của Việt Nam với du khách nước ngoài? Những vấn đề này được phóng viên VTV trao đổi với chuyên gia tâm lý Phạm Mạnh Hà, Giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

PV: Thưa ông Phạm Mạnh Hà, với câu chuyện trên, tôi đặc biệt ấn tượng với cách cư xử của vị du khách người Australia khi bà vẫn gửi lại cho người lái xích lô 150.000 đồng tiền công và nói rằng đây chỉ là một hạt sạn nhỏ. Thế còn bản thân ông, ông có suy nghĩ gì?

Ông Phạm Mạnh Hà: Sau khi nghe câu chuyện trên, là một người Việt Nam tôi thấy rất xấu hổ về những hành vi của những người lái xích lô và taxi đó.

PV: Khi đến một vùng đất để tham quan du lịch hay đơn thuần là đi công tác, chúng ta không chỉ ngắm phong cảnh, mà một ấn tượng khác rất quan trọng đó là con người tại nơi đó. Ông chắc cũng đã đi du lịch nhiều, có bao giờ ông đến một nơi nào đó và có suy nghĩ là mình sẽ không bao giờ quay lại?

Ông Phạm Mạnh Hà: Cá nhân tôi chắc sẽ có những nơi, những địa điểm du lịch mình không muốn quay lại, khi những nơi đó đối xử với mình không giống như một con người mà coi mình như một công cụ để họ kiếm tiền.

Tôi nghĩ rằng một sản phẩm du lịch không chỉ cấu thành bởi những nét đẹp văn hóa, những địa danh du lịch hay dịch vụ mà điều quan trọng đó chính là yếu tố con người.

PV: Ngay sau những ngày nghỉ lễ 30/4, 1/5, trên các báo lại xuất hiện những bài viết về việc chặt chém khách du lịch. Theo ông, nguyên nhân sâu xa của những chuyện chặt chém khách, hay như nhồi nhét khách trên xe... là từ đâu?

Ông Phạm Mạnh Hà: Trong cuộc sống, có nhiều nét ứng xử chúng ta vẫn cho là bình thường. Ví dụ như chúng ta cho rằng đã đi du lịch du khách phải có tiền, mà có tiền bạn phải chấp nhận một giá cao hơn. Từ người làm du lịch cho đến du khách nhiều người cho rằng đó là một chuyện rất đương nhiên và đôi khi mọi người chấp nhận điều đó. Vì vậy, tất cả những suy nghĩ đó dần trở thành một cái nếp, một tâm lý mà mọi người dễ dàng chấp nhận, dễ dàng bỏ qua.

Tôi nghĩ rằng, những chuyện chặt chém khách không chỉ xảy ra ở Hà Nội mà có thể tình trạng này còn mang tính phổ biến ở tất cả các vùng du lịch khác nhau. Và điều này rất đáng lo, không chỉ với bộ mặt du lịch mà đối với cả nền văn hóa Việt Nam.

Có nhiều người làm du lịch, hay thương mại sẽ coi giá trị tiền bạc cao hơn những giá trị về văn hóa và tôi sợ rằng lâu dần điều này sẽ trở thành một mô hình ứng xử của người Việt Nam chúng ta.

PV: Những lần đi công tác nước ngoài của ông, nơi nào làm cho ông ấn tượng tốt nhất về cách ứng xử của con người?

Ông Phạm Mạnh Hà: Tôi không đi nhiều, nhưng những vùng tôi đến tôi thấy họ làm du lịch rất chuyên nghiệp. Sự chuyên nghiệp ấy xuất phát từ nét văn hóa của người bản địa, họ không xem du khách là một phương tiện để họ kiếm tiền.

PV: Theo ông, với bản thân một cá nhân làm sao để họ có ý thức rằng: Tôi làm du lịch là đại diện cho một quốc gia chứ không phải đơn giản chỉ chuyện của tôi và du khách?

Ông Phạm Mạnh Hà: Cách làm du lịch của chúng ta đang là cách làm hớt váng, tức là chúng ta đang tập trung những thế mạnh sẵn có để khai thác tiềm năng du lịch, mà chưa đào tạo, chưa xây dựng một sản phẩm du lịch.

Tôi nghĩ rằng phải có sự bắt tay giữa người quản lý với người làm du lịch và cư dân ở những địa phương du lịch. Và những cư dân ở các địa phương du lịch khi nhận được nhiều những lợi ích từ du lịch mang lại, chắc chắn họ sẽ không làm những chuyện như trên.

Để người làm du lịch trở thành đại diện của một quốc gia trước nền văn hóa khác, ngay từ nhỏ những kỹ năng ứng xử văn hóa của bản thân mỗi người phải được hướng dẫn một cách nghiêm túc. Có như vậy lớn lên khi tham gia vào một thị trường lao động nào đó, bản thân mỗi người sẽ biết cách ứng xử với người khác.

Rất cảm ơn ông đã tham gia cuộc trao đổi!

Mời quí vị theo dõi VIDEO toàn bộ nội dung cuộc trao đổi giữa phóng viên VTV với chuyên gia tâm lý Phạm Mạnh Hà, Giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tại đây.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước