Chất lượng không khí ở các đô thị của Việt Nam như thế nào?

Thùy An-Thứ năm, ngày 06/10/2016 17:59 GMT+7

VTV.vn - Những phân tích của Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia sẽ cung cấp một cái nhìn chính xác và cụ thể về môi trường không khí tại các đô thị Việt Nam.

Với sự phát triển mạnh của kinh tế - xã hội cũng như quá trình đô thị hóa, vấn đề chất lượng môi trường không khí ở các đô thị lớn đang là một bài toán không dễ tìm ra câu trả lời.

Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong giai đoạn 2011 – 2015, tại các đô thị lớn, chất lượng không khí chưa có nhiều cải thiện so với giai đoạn 2006 – 2010.

Các đô thị lớn như Hà Nội hay các đô thị có hoạt động công nghiệp mạnh như Việt Trì (Phú Thọ), ô nhiễm bụi có xu hướng duy trì ở ngưỡng cao, đặc biệt là những khu vực gần các trục giao thông chính.

Chất lượng không khí ở các đô thị của Việt Nam như thế nào? - Ảnh 1.

Sự phát triển nhanh chóng của các loại phương tiện giao thông được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn

"Khi số lượng phương tiện giao thông tăng lên, khí thải sinh ra từ các nhiên liệu như xăng dầu làm cho thành phần không khí ở các đô thị xuất hiện nhiều khí ô nhiễm", bà Đặng Kim Chi – Hội bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho biết.

Theo kết quả đánh giá chất lượng không khi qua chỉ số AQI (Air Quality Index), tại các đô thị lớn, số ngày có chỉ số AQI ở mức kém - tức là những ngày người dân nên hạn chế ra ngoài - chiếm tỷ lệ khá lớn. Điển hình như tại đường Nguyễn Văn Cừ, Gia Lâm, Hà Nội, số ngày trong năm 2014 có chỉ số AQI ở mức kém chiếm tỷ lện hơn 50% số ngày quan trắc trong năm. Thậm chí có những ngày chất lượng không khí suy giảm đến ngưỡng xấu và nguy hại (mọi người nên ở trong nhà).

Gia tăng ô nhiễm tiếng ồn

Bên cạnh ô nhiễm không khí, tại các đô thị lớn tại Việt Nam còn phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, chủ yếu đến từ các hoạt động giao thông, đang ngày một có dấu hiệu gia tăng.

Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia cho thấy, ngưỡng ồn đo được ở các tuyến phố chính tại các đô thị lớn ở Việt Nam đều xấp xỉ hoặc vượt ngưỡng cho phép đối với khung giờ từ 6h – 21h là 70 dBA.

Đối với các đô thị vừa và nhỏ, mức ồn đo tại các tuyến đường gia thông cũng không nằm trong giới hạn cho phép.

Báo động chất lượng không khí ở các làng nghề, khu công nghiệp

Không chỉ ở các đô thị, chất lượng không khí tại các làng nghề và khu công nghiệp cũng bị đánh giá là rất đáng báo động. Dưa trên các số liệu có thể thấy, tình trạng ô nhiễm không khí ở các làng nghề so với giai đoạn 2006 – 2010 không những không giảm mà còn có xu hướng gia tăng.

Chất lượng không khí ở các đô thị của Việt Nam như thế nào? - Ảnh 2.

Ô nhiễm tại các làng nghề cũng đang ở mức đáng báo động (Ảnh: Dân trí)

Nguyên nhân chính là do nhiên liệu sử dụng trong các làng nghề phổ biến là chất lượng thấp, dây chuyền sản xuất lạc hậu và chưa có sự đầu tư cho hoạt động xử lý chất thải. Ô nhiễm môi trường không khí tại các làng nghề chủ yếu là: ô nhiễm bụi, khí độc, hơi kim loại, mùi và tiếng ồn…

Đáng chú ý trong đó, ô nhiễm mùi đã và đang là vấn đề gây bức xúc tại nhiều làng nghề. Như tại làng giết mổ Phúc Lâm (Bắc Giang), làng chế biến nông sản Dương Liểu (Hà Nội), ô nhiễm mùi do quá trình phân hủy các chất hữu cơ trong bãi thải sản xuất làm phát sinh mùi thối, khó chịu và gây ô nhiễm mùi trên một khu vực rộng.

Ngày 5/10, theo số liệu được ghi nhận bởi một hệ thống máy theo dõi đặt tại tòa Đại sứ quán Mỹ (7 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội), chỉ số chất lượng không khí đo được là 245, thuộc nhóm "rất không tốt cho sức khỏe". Ở mức ô nhiễm 245, người dân được khuyên nên hạn chế, thậm chí tránh ra ngoài đường để không gặp vấn đề về sức khỏe.

Theo số liệu nói trên, Hà Nội được xem là thành phố ô nhiễm thứ nhì thế giới, chỉ thấp hơn thành phố Ardhali Bazar của Ấn Độ (471). Bên cạnh đó, số liệu đo được ở phía chân cầu Nhật Tân cũng cho thấy chỉ số ô nhiễm là 187, thuộc hàng không tốt cho sức khỏe và nên hạn chế tiếp xúc với không khí bên ngoài. (Số liệu được tổng hợp và công bố bởi Cơ quan Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ)

Trước sự lo lắng của người dân, ông Hoàng Dương Tùng - Phó Tổng cục trưởng Cục Môi trường - đã có phản hồi với PV VTV News rằng chỉ số AQI thường được tính trung bình theo ngày. Theo nguyên tắc, máy sẽ tự động đo 5 phút một lần sau đó tính số liệu trung bình theo giờ, rồi tính toán trung bình 24h. Số liệu trung bình theo giờ có thể tăng giảm thất thường, chỉ cần một cơn gió thổi qua cũng sẽ khiến chỉ số thay đổi lớn.

Chất lượng không khí ở các đô thị của Việt Nam như thế nào? - Ảnh 3.

Ông Hoàng Dương Tùng - Phó Tổng cục trưởng Cục Môi trường khẳng định rằng không thể nói không khí tại Hà Nội ô nhiễm nhất nhì trên thế giới

Ông Tùng cũng khẳng định rằng không thể nói không khí tại Hà Nội ô nhiễm nhất nhì trên thế giới: "Đúng là mấy ngày hôm nay không khí có ô nhiễm hơn vì người dân đang đốt rơm rạ, trời chuyển mùa nên thời tiết hanh khô. Môi trường Hà Nội bị ô nhiễm chủ yếu là bởi bụi mịn nguồn gốc từ các phương tiện giao thông, mưa xong sẽ giảm. Hiện chúng tôi đang theo dõi thấy chỉ số ở trạm Nguyễn Văn Cừ là không cao".

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước