"Chạy ai, ai chạy?" - Câu hỏi làm “nóng” nghị trường Quốc hội tuần qua

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 03/04/2016 13:27 GMT+7

VTV.vn - Tuần qua, tình trạng chạy chức, chạy quyền, một lần nữa đã được các đại biểu nêu ra trước Quốc hội.

Nhiều tờ báo đã dẫn lời ông Đỗ Văn Đương - Đại biểu Quốc hội TP.HCM tại phiên thảo luận về các báo cáo nhiệm kỳ trong quần qua, khi ông nêu câu hỏi: Vì sao người ta cứ chạy và chạy được?. Đây là câu hỏi rất lớn mà nhiệm kỳ qua cử tri thắc mắc, nhưng chưa có lời đáp. Theo đại biểu Đỗ Văn Đương, chạy chức không chỉ tạo ra bất công lớn, mà còn "đẻ" ra tham nhũng.

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình - ông Nguyễn Ngọc Phương khẳng định: Chạy chức, chạy quyền dân biết, Đảng biết, Chính phủ và các ban, ngành đều biết. Tuy nhiên, do thiếu một cơ chế, cơ sở để gắn trách nhiệm cho người đứng đầu trong quá trình xử lý, chính vì thế câu hỏi: Chạy ai, ai chạy? chưa trả lời được.

Trước đó, phát biểu tại Hội nghị toàn quốc ngành tổ chức xây dựng Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt ra một câu hỏi đầy trăn trở trước việc dư luận râm ran chuyện chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy chế độ, chạy luân chuyển và Tổng Bí thư đã yêu cầu làm rõ: Có hay không chuyện chạy chức, chạy quyền và nếu có thì ai chạy, chạy ai?.

Câu chuyện chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển đã làm "nóng" nghị trường Quốc hội tuần qua

*Tờ Đại biểu Nhân dân bình luận: Dư luận râm ra không phải là không có lý. Có hay không cả chuyện chạy cơ chế, chính sách? Kinh tế cũng đang gánh hệ lụy cũng vì một thời cho mở nhiều các ngân hàng, mở nhiều trường đại học và sau đó là chuyện chạy bằng cấp khi chính sách quy hoạch cán bộ yêu cầu phải có bằng, có học hàm.

Tờ báo này cũng chỉ ra rằng, mới nhất là chuyện chạy cấp giấy phép xây dựng nên mới có chuyện cao ốc vượt ngọt giữa trung tâm thủ đô, đang gây ra bao nhiêu hệ lụy, dân mất niềm tin. Ngoài ra, còn câu chuyện doanh nghiệp xây resort giữa rừng quốc gia. Rõ ràng chạy ai, ai chạy? là một câu hỏi khó, nhưng không phải là không thể trả lời, nhất là khi câu hỏi này được người lãnh đạo cao nhất của Đảng đặt ra.

Từ những dẫn chứng phân tích cụ thể về tình trạng chạy chức, chạy quyền, báo chí trong tuần đề xuất không khoanh vùng chạy chức, chạy quyền ở diện nghi vấn nữa, mà nên thừa trạng đó là một thực trạng nhức nhối. Phải xác định có bệnh, chẩn đoán đúng bệnh, mới tìm ra phương thức chữa trị.

Liên quan tới vấn đề trên, ngay trong tuần này, Ban Bí thư đã yêu cầu chấn chỉnh đề bạt công tác cán bộ.

*Báo Nhân dân cho biết, Chỉ thị của Ban Bí thư nêu rõ, một số nơi có biểu hiện dễ dãi, thiếu chặt chẽ trong đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ. Có trường hợp cán bộ được bổ nhiệm hoặc đề nghị bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử chưa đảm bảo về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình thủ tục. Số lượng cấp phó nhiều hơn quy định và chưa bám sát quy hoạch cán bộ.

Để khắc phục những biểu hiện trên, Ban Bí thư yêu cầu việc đề bạt, bổ nhiệm hoặc đề nghị bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử phải chấp hành nghiêm quy định về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, số lượng, độ tuổi; thực hiện đúng quy tắc minh bạch, công khai, công tâm, khách quan trong lựa chọn, giới thiệu nhân sự.

* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước