Thành phố Hà Nội có 184 vùng rau an toàn được cấp giấy chứng nhận nhưng mỗi năm, Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội chỉ có thể đi kiểm định chất lượng của 1/3 trong số các cơ sở này. Theo bà Trần Huyền Trang – Phó Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội, tại vùng trồng trọt, cơ quan này chỉ lấy từ 50 – 70 mẫu đi kiểm nghiệm.
Một đơn vị khác cũng có trách nhiệm kiểm định chất lượng rau an toàn là Chi cục bảo vệ thực Hà Nội. Số lượng kiểm nghiệm của cơ quan này nhiều hơn nhưng nếu tính số mẫu trong năm 2015, trung bình mỗi vùng họ chỉ lấy 2 mẫu. Trong khi, hàng năm mỗi vùng sản xuất từ 4 - 5 vụ, với hàng chục loại rau.
Thiếu kiểm định chất lượng sản phẩm không phải kẽ hở duy nhất trong quản lý tại các vùng rau an toàn. Một vấn đề khác cũng cần được quan tâm là khâu cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất.
Giấy Chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất rau an toàn do Sở NN & PTNT Hà Nội cấp là cơ sở duy nhất chứng minh một cơ sở có đủ điều kiện sản xuất rau an toàn. Giấy phép này được cấp dựa trên xem xét yếu tố chính là kết quả kiểm định mẫu đất, nước. Sau 5 năm, một vùng rau an toàn đã được chứng nhận sẽ phải xem xét lại các điều kiện này. Hiện tại, Hà Nội có 5.100 ha rau được chứng nhận là rau an toàn. Điều này đồng nghĩa số diện tích trên đã đạt các chỉ tiêu chứng nhận đầu vào để sản xuất rau.
Trong năm 2015, 184 giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất đã được cấp cho các vùng rau an toàn, song có lẽ điều người tiêu dùng cần hơn là việc chứng nhận an toàn cho sản phẩm trong và sau quá trình trồng trọt. Điều đó gần như lại chưa được hợp tác xã nào thực hiện, trong khi các yếu tố như cách canh tác, cách đánh thuốc mới ảnh hưởng nhiều tới chất lượng rau an toàn.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!