Thông tin chất lượng không khí tại thủ đô đang có xu hướng xấu đi khiến rất nhiều người dân Hà Nội hoang mang. Cụ thể, theo công bố của Trung tâm phát triển sáng tạo xanh, (GreenID) - một tổ chức thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam - 91% số ngày trong 3 tháng đầu năm 2018 có mức ô nhiễm không khí vượt tiêu chuẩn cho phép của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Tuy nhiên, chỉ số chất lượng không khí này được tính toán thế nào, độ chính xác ra sao vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau từ phía các cơ quan quản lý môi trường.
Công bố về nồng độ bụi PM 2.5 được Trung tâm phát triển sáng tạo xanh đưa ra là 3 tháng đầu năm 2018 trung bình đạt 63,2 microgram/m3. Khi được hỏi về cách tính toán để đưa ra công bố này, ông Trần Đình Sính - Cố vấn kỹ thuật của trung tâm cho biết: "Chúng tôi dựa chủ yếu vào số liệu của hai trạm đo ở Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội và Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM…".
Chất lượng không khí của thành phố Hà Nội trong những năm gần đây đã được đánh giá là ô nhiễm với nhiều chỉ số như SO2, NO2, PM 10, PM 2.5… biến động và có lúc tăng cao ở mức báo động. Tuy nhiên, theo Chi cục Bảo vệ môi trường, với 10 trạm quan trắc mới được đầu tư hiện tại thì sẽ cho các chỉ số khác, đặc biệt là nồng độ bụi mịn PM2.5.
Cách tính AQI tại đây được căn cứ vào dữ liệu thu thập từ nhiều trạm quan trắc, nhiều thời điểm và tính trung bình trong 1 ngày, không căn cứ vào kết quả tại một trạm quan trắc đặt ở một điểm và tính theo giờ như trạm quan trắc của Đại sứ quán Mỹ mà Trung tâm phát triển sáng tạo xanh đã sử dụng.
Cải thiện chất lượng không khí tại Hà Nội là vấn đề đặt ra cho thành phố từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, cải thiện thế nào phụ thuộc rất nhiều vào các chỉ số chất lượng không khí được tính toán một cách chính xác.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!