Bụi mịn có thể đi sâu vào phế nang, gây viêm nhiễm đường hô hấp và làm tăng nguy cơ tử vong. Vì vậy thời gian qua, nhiều đô thị cũng đã đầu tư nguồn lực và đưa vào hoạt động các trạm quan trắc không khí tự động. Bước đầu, phần nào người dân đã có những thông tin về ô nhiễm không khí, ô nhiễm bụi để tự trang bị cho mình cách ứng phó trước mắt.
Dù không thể phân biệt được đâu là bụi mịn, đâu là bụi thường, nhưng trong vài năm gần đây, những người dân sống gần các trục đường giao thông chính ở Hà Nội như anh Đức (Cầu Giấy, Hà Nội) có thể nhận thấy rất rõ tình trạng ô nhiễm không khí, mà biểu hiện cụ thể là lượng bụi mỗi ngày một nhiều hơn.
Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm nay, tại TP Hà Nội có tới gần 40 ngày có nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình trong 24 giờ vượt quá ngưỡng tiêu chuẩn của Việt Nam và 78 ngày vượt quá tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Theo các chuyên gia, bụi mịn phát sinh từ quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch, dầu diesel, từ các phương tiện giao thông. Ở các đô thị lớn như tại Hà Nội và TP.HCM, xe máy chiếm 95% về số lượng, thải ra 94% hydrocarbon; 87% carbon oxit trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới. Vì vậy, các giải pháp tổng thể kiểm soát nguồn phát sinh là rất cần thiết.
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ giảm 20% lượng bụi phát sinh từ các cơ sở sản xuất xi măng, nhiệt điện, thép, hóa chất; giảm 10% lượng bụi phát sinh từ các phương tiện giao thông vận tải; đồng thời, kiểm soát tốt các nguồn phát sinh từ khí thải, cũng như đầu tư công nghệ quan trắc không khí tự động 24/24h, trong đó có quan trắc bụi mịn để kịp thời cảnh báo cho người dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!