“Chính phủ quyết tâm ngăn chặn các hành vi hối lộ từ các tập đoàn đa quốc gia”

Theo Sự kiện & Bình luận (VTV)-Thứ bảy, ngày 08/11/2014 17:42 GMT+7

Chương trình Sự kiện và Bình luận

Đây là khẳng định của ông Đặng Hùng Sơn, Phó Cục trưởng Cục chống Tham nhũng, Thanh tra Chính phủ với những hành vi hối lộ của các tập đoàn đa quốc gia được phát giác thời gian qua

Dù thông tin về nhiều vụ hối lộ từ các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam hiện nay mới chỉ là nghi án, song việc một số tập đoàn đa quốc gia bằng nhiều hình thức khác nhau thực hiện hành vi hối lộ để có những hợp đồng kinh tế là có thật. Đó cũng không còn là chuyện hiếm ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Sự cám dỗ từ những vụ hối lộ của các tập đoàn đa quốc gia đều vô cùng lớn. Và nếu không thể ngăn chặn kịp thời, nó sẽ dễ dàng lây lan nhanh chóng, công phá nhiều thành trì trong bộ máy công quyền và có tác hại khôn lường đối với nước sở tại. Vì vậy, có lẽ đã tới lúc, chúng ta phải nhận diện rõ ràng và ngăn chặn các hành vi tham nhũng tinh vi này.

Chương trình Sự kiện & Bình luận hôm nay (8/11) với sự tham gia của hai vị khách mời là ông Nguyễn Sỹ Cương - Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và ông Đặng Hùng Sơn - Phó cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ sẽ cùng bàn luận chủ đề này.

Hành vi tham nhũng từ các tập đoàn đa quốc gia không phải là hình thức hối lộ mới mà đã có từ rất lâu. Tuy nhiên, thời gian gần đây, khi nhiều vụ tham nhũng các tập đoàn hàng đầu thế giới… được phát giác ra đã tạo nên xu hướng suy nghĩ rằng đây là hình thức tham nhũng mới.

Lý giải cho hành vi hối lộ từ các tập đoàn kinh tế này, ông Nguyễn Sỹ Cương - Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết: “Việc hối lộ của các tập đoàn kinh tế bắt nguồn từ hai mục đích. Một là chiếm lĩnh thị trường. Bên cạnh đó, các tập đoàn muốn có lợi sẽ tìm mọi cách đưa sản phẩm vào quốc gia đó, mà không loại trừ việc phải bôi trơn hay hoa hồng với số lượng rất lớn. Nhiều hãng bị phanh phui gần đây đều ở những nước có nền tài chính minh bạch nhưng người ta vẫn làm như vậy, bởi nếu không làm điều đó, có thể họ sẽ không thể thắng thầu để đưa sản phẩm của họ vào, trong khi đó là những nơi có tỷ lệ tham nhũng cao”.

Ông Nguyễn Sỹ Cương - Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội
Ông Nguyễn Sỹ Cương - Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Khó có thể thống kê hậu quả của hành vi tham nhũng từ các tập đoàn đa quốc gia, nhưng rõ ràng, bất cứ hiện tượng hối lộ nào đều có thể dẫn tới những tác động tiêu cực tới ngân sách nhà nước.

“Đối tượng chịu ảnh hưởng đầu tiên từ hành vi hối lộ của các tập đoàn đa quốc gia chính là người dân, bởi tất cả sự chênh lệch đều được bù trừ vào giá cả. Mặt khác, hiện tượng này còn “bóp chết” các ngành sản xuất trong nước và tạo môi trường đầu tư không lành mạnh. Những công ty không muốn làm ăn phi pháp thì sẽ không thể vào được”, ông Đặng Hùng Sơn - Phó cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ khẳng định.

Để ngăn chặn hành vi nguy hiểm này, việc quan trọng đầu tiên đối với các cơ quan chức năng là phải nhận diện được các hình thức hối lộ rất tinh vi của các tập đoàn đa quốc gia. Theo đó, thời gian gần đây, một số dạng thức hối lộ mà các tập đoàn đa quốc gia thường sử dụng cũng đã dần được khám phá, có thể kể tới như suất học bổng đi nước ngoài, kỷ nghỉ đắt tiền tại nước ngoài thông qua thăm quan, hội thảo hoặc trực tiếp chuyển tiền vào tài khoảng tại nước ngoài hay chia và tạo cổ phần theo hình thức liên doanh… Ngoài ra, để thực hiện các hành vi trên, các tập đoàn thường thuê bên trung gian qua văn phòng đại diện, công ty đại lý ở nước sở tại…

Phát hiện ra các hành vi tham nhũng này đã khó, nhưng việc xử lý lại càng khó hơn - ông Nguyễn Sỹ Cương chia sẻ - “Hệ thống pháp luật của Việt Nam để xử lý các hành vi tham nhũng này là khá đầy đủ, đặc biệt chúng ta đã có luật đấu thầu bổ sung mới được Quốc hội thông qua gần đây. Tuy nhiên, dù quy định của Nhà nước có đầy đủ, nhưng với những nhân viên nhà nước luôn tìm cách để tham nhũng thì nó vẫn cần có một cơ chế kiểm soát hơn. Pháp luật dù có chặt chẽ đến như thế nào thì vẫn có lỗ hổng”.

Ông Đặng Hùng Sơn - Phó cục trưởng Cụ chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ
Ông Đặng Hùng Sơn - Phó cục trưởng Cụ chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ

Nhìn ra các nước láng giềng thời gian gần đây, Trung Quốc hiện là một trong những quốc gia phát hiện được nhiều vụ hối lộ từ các tập đoàn đa quốc gia, thậm chí, đất nước này còn xây dựng một chiếc dịch chống các vụ việc này án xảy ra.

Riêng đối với Việt Nam, theo ông Đặng Hùng Sơn cho biết - “Chính phủ và các cơ quan Bộ, ngành đã, đang và sẽ quyết tâm ngăn chặn quyết liệt các hành vi tham nhũng từ các tập đoàn đa quốc gia”. Minh chứng cho điều này là việc Chính phủ và các cơ quan chức năng đã nhanh chóng triển khai điều tra những nghi án hối lộ được phát giác thời gian qua. Dẫu rằng, đây đều là những thông tin do nước ngoài cung cấp nên ít nhiều đã tạo ra khó khăn cho các cơ quan chức năng.

“Ngay sau khi nhận được thông tin về nghi án nhận hối lộ từ các tập đoàn đa quốc gia, các cơ quan chức năng theo chức trách nhiệm vụ của mình phải vào cuộc. Cụ thể là đối với cơ quan thanh tra chính phủ sẽ phải tiếp cận thông tin, ít nhất thông qua báo chí. Sau đó, thanh tra chính phủ sẽ có văn bản gửi tới cơ quan chức năng đó để nắm rõ. Mặt khác, về mặt Chính phủ và Nhà nước sẽ theo con đường ngoại giao hay hiệp định để có sự phối hợp cung cấp thông tin với nguồn tin đó”, ông Đặng Hùng Sơn khẳng định.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Sỹ Cương - Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng cho biết thêm: “Đây là một những thông tin có được từ nước ngoài. Điều đó đồng nghĩa với việc những thông tin này không có ở trong nước, nên không có cách nào khác là phải liên hệ với nước ngoài để tìm cách tiếp cận nguồn thông tin càng sớm càng tốt và đảm bảo tính xác thực của nó. Thông thường, với những nước có hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam, việc này khá thuận lợi. Tuy nhiên, cũng còn nhiều nước mà chúng ta chưa kí được hiệp định hỗ trợ tư pháp nên việc này sẽ phải đi qua con đường ngoại giao để có được những thông tin cụ thể”.

Để tìm hiểu vấn đề trên, mời quý vị và các bạn theo dõi video dưới đây:

 

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước