"Quốc hội cần giám sát chặt chẽ quá trình Xây dựng sân bay Long Thành"

Theo Sự kiện & Bình luận (Thời sự VTV)-Thứ bảy, ngày 11/10/2014 13:46 GMT+7

Hai khác mời: Ông Lê Bộ Lĩnh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, ông Nguyễn Nguyên Hùng - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam

Đây là quan điểm của ông Lê Bộ Lĩnh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội xung quanh vấn đề giám sát dự án xây dựng sân bay quốc tế Long Thành.

Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai) có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 8 tỷ USD. Theo kế hoạch, trong giai đoạn 1 hình thành, cảng hàng không quốc tế trung chuyển sẽ vận hành công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/ năm; Giai đoạn 2 nâng công suất khai thác lên 50 triệu hành khách/năm và giai đoạn 3 là 100 triệu hành khách/năm.

Đây là một dự án quan trọng của Quốc gia với mức đầu tư lớn nhất từ trước tới nay. Do vậy cũng không quá khó đoán về nguyên nhân mà dự án này lại nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Nhất là ở thời điểm Chính phủ vừa có Tờ trình “Báo cáo đầu tư dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành”, đồng thời kiến nghị Quốc hội thông qua chủ trương vào kỳ họp cuối năm Quốc hội khóa 13.

Tuy nhiên, để dự án được thông qua, các nhà hoạch định chính sách sẽ phải giải quyết nhiều bài toán hóc búa về nguồn vốn đầu tư, dự toán tính khả thi, hiệu quả kinh tế của dự án. Đây cũng chính là những vấn đề được ông Lê Bộ Lĩnh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, ông Nguyễn Nguyên Hùng - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam trả lời trong chương trình Sự kiện & Bình luận tuần này.

Ông Nguyễn Nguyên Hùng - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam
Ông Nguyễn Nguyên Hùng - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam

Theo ông Nguyễn Nguyên Hùng - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, sự ra đời của sân bay quốc tế Long Thành không chỉ giúp giảm tải cho sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, mà còn phục vụ cho chiến lược phát triển vận tải của hàng không Việt Nam trong tương lai.

“Như chúng ta đã biết, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất với diện tích dân dụng đang khai thác là 590ha, nằm trong khu vực có đời sống dân cư hiện đại. Nếu đưa ra các phương án mở rộng sẽ gặp một số vấn đề khó khăn khiến chúng tôi đánh giá đây là giải pháp này không khả thi… Bên cạnh đó, để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, chính quyền thành phố sẽ phải giải quyết vấn đề di dời và tái định cư cho khoảng 140.000 hộ dân. Tính toán sơ bộ, con số đầu tư sẽ lên tới 9,1 tỷ USD, ông Nguyễn Nguyên Hùng cho biết.

Ở thời điểm việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất và xây dựng sân bay quốc tế Long Thành hiện còn được “cân đo đong đếm”, ý tưởng cải tạo sân bay quân sự Biên Hòa lại xuất hiện như một giải pháp thay thế cho dự án khổng lồ Long Thành. Tuy nhiên, cả hai khách mời trong chương trình đều nhận định đây là một kế hoạch bất khả thi.

“Sân bay Biên Hòa là một sân bay quân sự nằm có chức năng riêng và nằm trong quy hoạch, quản lý của Bộ Quốc phòng. Hạ tầng của sân bay Biên Hòa chỉ đáp ứng nhu cầu của một sân bay chuyên dụng. Do vậy, việc biến sân bay này thành sân bay quốc tế là bất khả thi”, ông Lê Bộ Lĩnh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khẳng định.

Ông Lê Bộ Lĩnh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội
Ông Lê Bộ Lĩnh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội

Trong những câu hỏi xung quanh dự án xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, vấn đề được không chỉ người dân mà nhiều chuyên gia thẩm định độc lập quan tâm nhất hiện nay, đó là nguồn vốn dùng để đầu tư cho dự án sẽ được lấy từ đâu, đặc biệt khi Chính phủ đang ở tình trạng thất ngu ngân sách và việc đi vay sẽ gây áp lực lên nợ công.

Trả lời câu hỏi lớn này, ông Lê Bộ Lĩnh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết Quốc hội sẽ là kiểm soát chặt chẽ quá trình đầu tư xây dựng sân bay Long Thành.

“Đối với dự án xây dựng sân bay Long Thành, Bộ Xây dựng đã có giải trình. Ngoài quy mô đầu tư, chúng ta cũng sẽ tính tới hiệu quả. Nếu hiệu quả tốt áp lực lên nợ công cũng sẽ giảm đi nhiều. Muốn như vậy, rõ ràng chúng ta sẽ phải ràng buộc trách nhiệm của chủ đầu tư ngay từ đầu. Khi quyết định chủ trương đầu tư, Quốc hội sẽ kiểm soát chặt chẽ quá trình đầu tư dự án này”, ông Lê Bộ Lĩnh nói.

Ở giai đoạn một, con số đầu tư cho dự án sân bay Long Thành là 165 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, với hiện trạng đội vốn ở nhiều dự án đang được triển khai hiện nay, sự lo ngại về con số đầu tư cho sân bay Long Thành là hoàn toàn có thể xảy ra. Đây là nhận định của ông Lê Bộ Lĩnh khi tiến hành thẩm định dự án.

Dù được tính toán kĩ lưỡng và thẩm tra chặt chẽ trong quá trình thực hiện dự án, nhưng việc quy hoạch một công trình hạ tầng như sân bay cần tới một tầm nhìn tới từ 50 đến 100 năm. Và cho tới khi dự án được chính thức nhấn nút thông qua tại kỳ họp Quốc hội vào cuối năm nay thì những thông tin về dự án xây dựng sân bay quốc tế lớn nhất Việt Nam này có lẽ vẫn sẽ còn được dư luận quan tâm.

Để tìm hiểu rõ hơn cuộc đối thoại giữa các khách mời trong chương trình Sự kiện & Bình tuần này, mời quý vị và các bạn theo dõi video dưới đây:

 

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước