Các nghệ nhân ca trù vẫn chưa được đãi ngộ xứng đáng. (Ảnh: baothainguyen)
Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã có 17 di sản thế giới được UNESCO vinh danh gồm: Di sản thiên nhiên, di sản văn hóa vật thể, di sản tư liệu và di sản văn hóa phi vật thể. Đối với các di sản văn hóa phi vật thể như: Lễ hội, dân ca, nghề truyền thống, nghệ nhân chính là linh hồn góp phần lưu giữ, bảo tồn và phát huy. Tuy nhiên, suốt 10 năm qua Nghị định về Phong tặng danh hiệu Nghệ nhân cấp Nhà nước vẫn chưa được ban hành.
Công việc thường ngày và cũng là kế sinh nhai của cụ Nguyễn Thị Vượn - một giọng ca được đánh giá là hay nhất của làng ca trù cổ Chanh Thôn, Phú Xuyên, Hà Nội là muối những vại dưa, vại cà. Ở gần tuổi 90, công việc này sẽ giúp cụ Vượn trang trải phần nào cuộc sống. Tuy nhiên, điều cụ lo ngại hơn cả là nghề ca trù mà cụ theo đuổi 7 thập kỷ qua khó còn có thể giữ được ở ngay chính thôn một thời đã nổi danh nhờ ca trù.
"Bây giờ, chúng tôi cũng cố truyền dạy cho các cháu. Nhưng mình cố, các cháu cũng phải cố, chứ nếu bọn trẻ không chuyên tâm, mặn mà mình cũng chịu không biết làm thế nào được", cụ Vượn chia sẻ.
3 năm sau khi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa cần được bảo vệ khẩn cấp, ca trù càng đứng trước nguy cơ thất truyền, đời sống các nghệ nhân ở cả 15 tỉnh thành vẫn nhọc nhằn. Một thống kê gần đây cho thấy 90% trong số gần 200 đào nương, kép đàn nổi tiếng của ca trù không được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.
Hàng nửa thế kỷ bảo tồn di sản dân tộc, nhiều nghệ nhân ở các loại hình khác ở cái tuổi "xưa nay hiếm", vẫn chưa được phong tặng danh hiệu cấp Nhà nước, tiền trợ cấp hàng tháng hay tối thiểu là chiếc thẻ Bảo hiểm Y tế.
Bà Nguyễn Kim Dung, Trưởng phòng Di sản phi vật thể, Cục Di sản Văn hóa, Bộ VHTT&DL, cho biết: "Các nghệ nhân làng nghề thủ công truyền thống, khi tham gia các hội chợ có thể đoạt được các giải thưởng trong nước và quốc tế. Còn các nghệ nhân trình diễn văn hóa phi vật thể, không thể tham gia những hội chợ ấy, nên các cụ không thể có những giải thưởng. Mà theo quy định, không có các giải thưởng sẽ không nằm trong tiêu chí để xét tặng danh hiệu."
Cụ Hà Thị Cầu - nghệ nhân xẩm cuối cùng của thế kỷ 20 đã hát đến tận hơi thở cuối cùng. Tất cả những gì cụ nhận được cho cái danh hiệu nghệ nhân dân gian cũng chật vật mãi mới có là 700.000 đồng. Từ năm 2002 đến nay, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã chủ động phong tặng danh hiệu cho khoảng 300 nghệ nhân dân gian trên khắp mọi miền đất nước, nhưng cũng chỉ có tính chất động viên tinh thần.
GS. TS KH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, cho biết: "Nếu những người làm công tác sưu tầm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa dân gian không tìm đến các cụ nghệ nhân dân gian cao tuổi sẽ không có ai dạy bảo cả. Cho nên có thể nói các cụ thực sự là những người thầy của chúng tôi, dù chúng tôi có thể là Giáo sư hoặc Tiến sĩ."
Nhà nghiên cứu Văn hóa Bùi Trọng Hiền, cũng chia sẻ: "Để chăm lo các cụ nghệ nhân, tại sao chúng ta không giao cho một công ty hay doanh nghiệp nổi tiếng nào đó. Tôi nghĩ các cụ không cần nhiều, chỉ cần một ít lương hàng tháng, một thẻ Bảo hiểm Y tế, một thẻ Bảo hiểm Xã hội là đủ. Nếu chúng ta học tập các nước phát triển, mọi chuyên hết sức đơn giản."
Có một thực tế rằng, suốt 10 năm nay Nghị định về việc phong tặng nghệ nhân ưu tú và nghệ nhân nhân dân vẫn chỉ đang nằm ở bản thảo, trong khi có tới 80% số nghệ nhân ở diện xét tặng đều đã ở tuổi gần đất xa trời.
Nói về vấn đề này, bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL, cho biết: "Bộ VHTT&DL nhận thức được vị trí vai trò của Nghị định về việc phong tặng nghệ nhân ưu tú và nghệ nhân nhân dân. Chúng tôi sẽ đẩy nhanh hoàn tất để trình Thủ tướng Chính phủ trước tháng 7/2013."
Hiện nay, lần đầu tiên ở nước ta một lớp tạo nguồn truyền dạy ca trù đang được mở tại Viện âm nhạc Việt Nam với sự tham gia của các nghệ nhân. Những nỗ lực đơn lẻ ấy cần phải trở thành chiến lược quốc gia. Trong khi chờ đợi Nghị định, Thông tư hướng dẫn ra đời, ngành Văn hóa cho biết, đang phối hợp với các bộ, ngành và địa phương đưa ra những sáng kiến chăm lo đời sống tinh thần và vật chất cho những "báu vật nhân văn sống".