Diễn đàn có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Đây là diễn đàn phục vụ xây dựng chủ trương và chính sách của Việt Nam thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, một thời kỳ được cho là robot, trí tuệ nhân tạo và in 3D sẽ thay thế con người trong nhiều công việc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian hàng tại Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0
Trước khi khai mạc diễn đàn, các đại biểu đã có cuộc giao lưu với Sophia - người máy có trí tuệ nhân tạo đầu tiên được Arab Saudi cấp quyền công dân như con người trên thế giới và cũng là quán quân sáng tạo của Chương trình phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP).
Là người đại diện cho kỷ nguyên 4.0 lần đầu tiên đến Việt Nam, trong tà áo dài Sophia cho rằng, Việt Nam cần có sáng tạo về công nghệ để phát triển bền vững nhanh hơn. Hiện Chính phủ đang đi đúng hướng, khai thác đúng mức phù hợp với Internet ở khắp nơi. Công nghệ giúp Việt Nam có bước nhảy vọt về năng suất lao động, các hoạt động kinh tế.
Cũng trong sáng nay, các diễn giả từ Diễn đàn kinh tế thế giới và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã chỉ ra rằng, Việt Nam mới đang ở mức trung bình của thế giới về sự sẵn sàng với cuộc Cách mạng 4.0. Do đó, Việt Nam cần phải luôn duy trì quan điểm phát triển lấy con người làm trung tâm, trong đó, Chính phủ cần ưu tiên giáo dục và đào tạo, nhất là đào tạo kỹ năng kỹ thuật, đồng thời cần có chính sách mở rộng việc ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi lĩnh vực bởi theo Ngân hàng thế giới, nếu 20 năm trước đây, Hoa Kỳ đã dự báo 65% học sinh tiểu học ở thời điểm đó sau này sẽ làm những việc mà con người chưa sáng tạo ra và bây giờ tỷ lệ này đã là 85%.
Ở Việt Nam, có nhiều học sinh giỏi Toán hơn các nước khác nhưng quan trọng nhất là phải đào tạo kỹ năng về kỹ thuật cho những người này bởi như Hàn Quốc, nhờ đào tạo kỹ năng tốt nên những người làm việc trong khu vực chế tác không bị mất việc làm khi robot được sử dụng rộng rãi.
Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, sau diễn đàn này, Ban Kinh tế Trung ương sẽ hoàn thiện Đề án về Cách mạng 4.0 để trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng vào tháng 10. Hiện nay, trong khu vực mới chỉ có Singapore và Thái Lan có chiến lược về cách mạng công nghiệp 4.0, còn Việt Nam và các nước khác đều đang trong quá trình chuẩn bị.
Cuối buổi sáng, Diễn đàn cấp cao với chủ đề "Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư" tiếp tục diễn ra ở phần đối thoại chính sách. Trong đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh tới yêu cầu diễn đàn phải làm rõ được nhận thức, để từ đó có hành động gì đối với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là về pháp luật, giáo dục, đào tạo, trang bị kỹ năng cho người lao động, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và xử lý những mặt trái của cuộc cách mạng này để không ai bỏ lại phía sau.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!