62 kiot "ma" ký khống, giá trị sang tay có thể lên tới hàng tỷ đồng?! Tiền sẽ về tay ai? - Đây là vấn đề đang được phóng viên VTV tìm hiểu làm rõ.
Sau khi lộ ra nhiều sai phạm trong công tác quản lý liên quan tới vụ bảo kê chợ Long Biên từng làm rúng động dư luận cách đây hơn 2 năm, quận Ba Đình đã tiến hành thanh tra toàn bộ hoạt động của khu vực này trong địa bàn. Tới cuối tháng 12/2019, kết quả thanh tra Quận tiếp tục cho thấy những điểm "không đúng quy định" trong công tác quản lý tại đây.
Cụ thể, thanh tra phát hiện 62 điểm kinh doanh (kiot) tại chợ Long Biên phát sinh ký hợp đồng không đúng quy định.
Thanh tra quận Ba Đình thông tin, trong báo cáo giải trình của Ban Quản lý chợ Long Biên và ông Đàm Đình Dũng- Nguyên Trưởng ban quản lý chợ Long Biên có ghi: "đối với 62 điểm kinh doanh phát sinh ký hợp đồng từ năm 2015-2018, các hộ này đã kinh doanh tại chợ từ trước (thời điểm 2007-2015) điểm kinh doanh là do các hộ tự dựng tạm tại các diện tích còn trống giáp ranh giữa các khu vực trong chợ, Ban quản lý chợ có tiến hành thu vé chợ theo ngày. Trong quá trình cải tạo từ năm 2015-2017, các hộ kinh doanh tự đầu tư xây dựng để thuận tiện cho công tác quản lý, tăng nguồn thu cho ngân sách cán bộ ngành hàng đã đề xuất Thủ trưởng đơn vị xin ký hợp đồng. Cán bộ ngành hàng có đơn đề xuất và chuẩn bị đầy đủ giấy tờ liên quan để trình Trưởng ban quản lý chợ ký hợp đồng thuê diện tích kinh doanh…".
Danh sách 62 kiot ký sai quy định. Kết luận thanh tra nêu rõ, khi được mời lên làm việc, chỉ có 49/62 đại diện hộ kinh doanh tại kiot hợp tác.
Đoàn Thanh tra sau đó có mời chủ 62 điểm kinh doanh nói trên đến làm việc và được biết "trong quá trình các hộ tự xây dựng cải tạo lại kiot, để thuận lợi cho quá trình kinh doanh các hộ đã đề nghị và Ban quản lý chợ Long Biên ký hợp đồng cho thuê điểm kinh doanh. Các tiểu thương cho biết khi ký hợp đồng thuê điểm kinh doanh, chỉ phải nộp tiền thuê điểm theo mức giá quy định, ngoài ra không phải nộp thêm tiền gì khác cho Ban quản lý chợ hay cho cá nhân nào".
Một khu vực thuộc diện "ký sai quy định" tại chợ Long Biên.
Hiểu nôm na, ký sai quy định nghĩa là phần diện tích đất này không được phép sử dụng vào mục đích làm kiot kinh doanh, nhưng vẫn được ban quản lý chấp thuận.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên VTV, rất nhiều kiot có chủ đứng tên trong số 62 kiot ký sai quy định nêu trên, hiện đang không kinh doanh tại kiot đó (?!) Những kiot này hiện đã được sang nhượng cho những người khác kinh doanh, thậm chí, có những kiot đã được chuyền qua tay nhiều người.
Một tiểu thương tại chợ Long Biên cho hay, đã kinh doanh tại địa điểm này (1 trong những kiot ký sai quy định) nhưng không hề hay biết. Bà đã buôn bán tại đây hàng chục năm.
Một tiểu thương khác, đã ngồi ở chợ Long Biên từ những năm 90, cũng đang kinh doanh tại kiot thuộc diện 62 kiot "ma" cho hay, bản thân không hề biết việc ký sai từ ban quản lý. Giờ hay tin, ông rất hoang mang và chỉ mong có thể được thu xếp cho tiếp tục kinh doanh tại chợ Long Biên.
Trong khi đó, được biết, giá trị "chuyển nhượng" của những kiot tại chợ Long Biên có giá không thể tưởng tượng nổi – từ vài trăm triệu, thậm chí tới hàng tỷ đồng. Đáng nói ở chỗ, qua tìm hiểu của phóng viên VTV, có những người đứng tên trong số 62 kiot nói trên là người thân, họ hàng, có liên quan tới một số cán bộ, nguyên cán bộ tại địa bàn.
Hàng loạt câu hỏi xoay quanh câu chuyện này đang được phóng viên VTV tìm hiểu, làm rõ và gửi thông tin tới khán giả.
Có hay không việc mua bán kiot thuộc diện không đúng quy định tại chợ Long Biên? Nếu có thì số tiền khổng lồ ước tính từ hoạt động này sẽ chảy vào túi những ai? Trách nhiệm của Ban quản lý chợ Long Biên và các đối tượng liên quan tới đâu? Làm thế nào để bảo vệ lợi ích cho tiểu thương đang kinh doanh tại các kiot trong diện không đúng quy định? – Đó là những câu hỏi sẽ được VTV làm rõ trong những phóng sự tới trong bản tin Thời sự 19h00 ngày 13/5 và trên Báo Điện tử VTV News, mời độc giả quan tâm theo dõi!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!