Chờ uống rượu bia thường xuyên mới phòng thì không ổn!

Thùy An-Thứ sáu, ngày 16/11/2018 16:23 GMT+7

VTV.vn - Nên phân biệt rượu với bia; sử dụng tên gọi là bia, rượu hay là đồ uống có cồn... là hai trong số nhiều ý kiến tại phiên thảo luận về Luật Phòng, chống tác hại của rượu.

Sáng 16/11, các đại biểu Quốc hội làm việc ở hội trường, thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Tại đây nhiều ý kiến tranh luận đã được đưa ra.

Trong phiên sáng nay, các đại biểu đều nhất trí rất cao về sự cần thiết ban hành Luật và nhấn mạnh dự thảo Luật đã thể chế hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; kịp thời, chủ động ứng phó với thực trạng sử dụng rượu, bia đang ở mức cao, có xu hướng gia tăng nhanh, ở mức có hại đáng báo động.

Chờ uống rượu bia thường xuyên mới phòng thì không ổn! - Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương)

Theo đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương), mỗi năm bia rượu làm tổn thất ít nhất 1 - 3% GDP theo Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới. "Như vậy, dù ngành công nghiệp rượu bia đã cố gắng biện minh cho phát triển kinh tế, giải quyết việc làm thì cũng khó chấp nhận, chưa kể những hậu quả nặng nề cho xã hội, không gì bù đắp được. Không ít ý kiến cho rằng, tác hại của rượu, bia do chính người dùng lạm dụng, còn ngành rượu, bia như thể vô can. Việc cung cấp cho thị trường thức uống gây nhiều bệnh tật, lắm tác hại lại được dùng nhiều lý lẽ và mỹ từ để bảo vệ thì đó là trách nhiệm hay vô can? Có vô can không khi bia, rượu là vòng tròn luẩn quẩn của đói nghèo, bệnh tật, bạo lực, bạo hành", đại biểu nêu hàng loạt vấn đề.

Về ý kiến cho rằng thông qua Luật này là khai tử ngành rượu, bia, đại biểu Phạm Trọng Nhân lưu ý, phải đặt mình vào hoàn cảnh gia đình có người thân nghiện rượu, nợ nần chồng chất, bạo lực, bạo hành… "Chúng ta chọn bảo vệ sức khỏe cho nhân dân hay chọn khoản thu 50.000 tỷ đồng mỗi năm, nhưng đừng quên rằng tổn thất do nó gây ra lên tới 65.000 tỷ đồng. Như thế có khác gì kéo lùi sự phát triển của đất nước”, đại biểu nhấn mạnh.

Chờ uống rượu bia thường xuyên mới phòng thì không ổn! - Ảnh 2.

Đại biểu Trần Quang Chiểu (đoàn Nam Định)

Phát biểu tại hội trường, ĐBQH Trần Quang Chiểu (đoàn Nam Định) đồng tình với nhiều nội dung của dự thảo luật: "Tôi cho rằng, ban soạn thảo cần nghiên cứu thêm để có những chế tài cụ thể mạnh mẽ hơn nhằm kiểm soát việc sản xuất bia, rượu không đảm bảo, kiểm soát tình trạng sử dụng rượu bia không chỉ gây ảnh hưởng cho người uống, mà còn cả cộng đồng, cả xã hội.

Có hai vấn đề, về nội dung về cơ bản nhất trí với dự thảo luật, nhưng cơ quan thẩm tra cần nắm rõ rượu và bia là hai sản phẩm hàng hóa hoàn toàn khác nhau, do vậy không nên đồng nhất xử phạt các chế tài giống nhau là trái với quy định của pháp luật.

Về tên gọi của dự án Luật, nhiều đại biểu nêu ý kiến nhất trí với tên gọi "Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia" vì tên gọi này ngắn gọn, bao quát, dễ hiểu, dễ nhớ, thuận lợi cho việc tuyên truyền, tiếp cận pháp luật của nhân dân; thể hiện rõ mục tiêu bảo vệ sức khỏe nhân dân, phù hợp với quan điểm về y học dự phòng là cần chủ động phòng ngừa từ sớm, chứ không chỉ ứng phó khi đã lạm dụng và xảy ra hậu quả tiêu cực.

Tuy nhiên cũng có ý kiến đề nghị lấy tên gọi là "Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia" hoặc "Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn" để hướng trọng tâm vào hành vi của người sử dụng rượu, bia; có ý kiến khác đề nghị lấy tên là "Luật Phòng, chống tác hại của đồ uống có cồn" để có tính bao quát, dễ áp dụng và hạn chế việc lợi dụng luật.

ĐBQH Trần Quang Chiểu (đoàn Nam Định) nói về văn hóa lâu đời của người Việt khi cúng tổ tiên đều có bát cơm thơm, chén rượu mời tổ tiên, hay khách đến nhà thể hiện sự hiếu khách bằng chén rượu nhạt…

"Với mục đích của luật là bảo vệ sức khỏe nhân dân, chính vì thế đối tượng chịu tác động chính của luật là người sản xuất phải đảm bảo chất lượng và người tiêu dùng phải có ý thức. Do vậy, tên luật cần phải hướng đến hành vi của người sản xuất và người sử dụng vì bản thân sản phẩm không có hại. Do đó, tôi đề nghị nên đặt tên của luật là "Luật kiểm soát đồ uống có cồn" hoặc "Luật phòng, chống tác hại đồ uống có cồn", ĐBQH Trần Quang Chiểu bày tỏ.

Chờ uống rượu bia thường xuyên mới phòng thì không ổn! - Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Đoàn Hà Nội)

ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn (đoàn Hà Nội) tranh luận với ý kiến của ĐBQH Trần Quang Chiểu: "Dự án luật này không phải cấm rượu bia, mà là phòng, chống tác hại rượu bia. Nên, chỉ phòng những cái có hại… Tôi cũng tranh luận lại với từ "lạm dụng", lạm dụng rượu là gì? Lạm dụng rượu chia làm 3 loại: Thứ nhất, uống mà có nguy hại sức khỏe; Thứ hai, uống quá độ; Thứ ba, nghiện rượu. Như vậy, ngay mức độ đầu tiên uống rượu có nguy hại sức khỏe, nếu uống thường xuyên gây nguy cơ tai hại đến mặt thể chất, và xã hội. Như vậy, phải chờ đến uống thường xuyên mới phòng thì không ổn.

Tiếp nữa, nói rượu và bia là khác nhau nhưng cả hai loại này đều là đồ uống có cồn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Do vậy, khi tham gia giao thông khi có cồn thì bị phạt không cần biết sử dụng bia hay rượu".

ĐBQH Nguyễn Thị Thảo (Nghệ An) về cơ bản đồng tình với những điều trong dự án luật. Tuy nhiên, để góp phần hoàn thiện dự thảo luật, ĐBQH Nguyễn Thị Thảo cũng góp ý một số điều.

"Qua nghiên cứu dự án luật đã đã được soạn thảo rất công phu, tuy nhiên cách tiếp cận chưa được toàn diện, chỉ được tiếp cận theo y tế, quy định các biện pháp giảm cung giảm cầu, giảm tác hại của rượu, bia. Trong khi đó, các vấn đề được đề cập của dự án luật có liên quan đến nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, văn hóa, du lịch… mang tính truyền thống, vì vậy đề nghị ban soạn thảo mở rộng cách tiếp cận vấn đề, để mang tính khả thi của dự án luật. Thứ hai, về sản xuất rượu thủ công là sản phẩm do hộ gia đình nhỏ lẻ làm, tập trung ở vùng nông thôn, miền núi. Phương thức sản xuất đóng chai đơn giản… Vì vậy, sản xuất rượu vẫn bán ra thị trường mà không đăng ký kinh doanh. Vấn đề đặt ra là cần có chế tài xử phạt nghiêm minh với chất lượng rượu sản xuất không đảm bảo này…

Vì vậy, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền cho người dùng thay đổi thói quen dùng rượu, nói không với rượu thủ công, rượu không rõ nguồn gốc thì cần phải có sự quản lý…

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước