Thủ đoạn mà các đối tượng buôn bán động ật hoang dã sử dụng ngày càng tinh vi (Ảnh: Báo Hà Tĩnh)
Với 37km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào, có các tuyến quốc lộ 8A,12A, tỉnh Hà Tĩnh là địa bàn thuận lợi cho các đối tượng vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã hoạt động. Từ năm 2008 đến nay, Bộ đội Biên phòng và các lực lượng chức năng ở Hà Tĩnh đã phát hiện, xử lý khoảng 180 vụ vi phạm về buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã trái phép, tịch thu hàng ngàn cá thể trong đó có nhiều loại quý hiếm như: Hổ, gấu, tê tê, rùa, kỳ đà… với tổng trọng lượng gần 15 tấn.
Để qua mặt các cơ quan chức năng, các đầu nậu buôn bán động vật hoang dã đã dùng mọi thủ đoạn để đưa hàng từ nước ngoài thâm nhập nội địa sau đó vận chuyển ra các tỉnh phía Bắc tiêu thụ. “Các đối tượng này qua biên giới rất manh động, liều kĩnh sẵn sàng dùng hung khí nóng để chống trả các lực lượng chức năng khi bị phát hiện”, Thượng tá Võ Trọng Hải, Phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng Hà Tĩnh người nhiều năm trực tiếp chỉ huy lực lượng Biên phòng đấu tranh với các loại tội phạm trên tuyến biên giới cho biết.
Vì lợi nhuận thu được từ hoạt động buôn bán động vận hoang dã rất cao, nên các đối tượng đã sử dụng mọi thủ đoạn và phương thức tinh vi nhằm gia tăng các hoạt động buôn bán trái phép. Không chỉ lợi dụng địa hình hiểm trở trên tuyến biên giới Việt - Lào, các đối tượng buôn lậu còn sử dụng xe ô tô đắt tiền với biển số giả để vận chuyển động vật hoang dã, cho nên việc đấu tranh với loại tối phạm này của các ngành chức năng ở Hà Tĩnh luôn gặp rất nhiều khó khăn.
Hiện nay, tình trạng vận chuyển động vật hoang dã ngày càng diễn biến rất phức tạp, quy mô, các đối tượng không chỉ tiêu thụ ở Việt Nam mà còn làm địa điểm trung chuyển mang hàng sang Trung Quốc và một số nước khác. Các đầu nậu thường gom hàng ở biên kia biên giới với số lượng lớn sau đó xé nhỏ, thuê người lợi các tuyến tiểu ngạch để luồn lách, vận chuyển hàng. Có trường hợp táo tợn hơn, các đối tượng sử dụng phương tiện hiện đại, chạy với tốc độ cao. Trên xe có nhiều bộ biển số giả, thậm chí cả còi hụ, đèn tín hiệu để qua mặt các ngành chức năng.
Điều đáng nói là, những đầu nậu buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã, qúy hiếm không bao giờ lộ diện. Vì vậy, có thể gọi số hàng mỗi khi lực lượng chức năng bắt được thường là hàng vô chủ. Đó là những khó khăn của các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh với tội phạm buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã, qúy hiếm, khi không trực tiếp bắt được các đối tượng đầu nậu mà chỉ bắt được đối tượng trung gian.
Bên cạnh đó, những chế tài xử lý lại chưa đủ sức răn đe. Chỉ những cá thể nhóm 1b thuộc loại nguy cấp, quý hiếm, mới bị xử lý hình sự. Còn theo Nghị định 99 CP về chế tài xử phạt trong quản lý bảo vệ rừng và lâm sản, dẫu có bắt được số lượng động vật hoang dã lớn, quý hiếm, cũng chỉ bị xử phạt hành chính cao nhất đến 500 triệu đồng. Chính điều đó cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng các đối tượng buôn bán và vận chuyển động vật hoang dã.