Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên Lê Thị Nga phát biểu ý kiến (Ảnh: Dương Giang-TTXVN)
Theo báo cáo của Chính phủ cả nước chỉ có gần 19% người kê khai tài sản đã được thực hiện công khai. Và tính đến nay, còn 25 đơn vị là các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và 44 tỉnh thành phố chưa hoàn thành 100% việc kê khai tài sản thu nhập theo quy định. Đó là một trong những lý do khiến công tác phòng, chống tham nhũng còn hạn chế, hiệu quả thấp.
Ông Huỳnh Văn Tiếp - Đại biểu Quốc hội tỉnh Cần Thơ đề xuất: “Phải nêu là cán bộ, công chức, viên chức đều kê khai tài sản có mình, vì thực tế hiện nay, cán bộ công chức có khi không phải là Đảng viên mà thực hiện thẩm tra dự án, liên quan nhiều đến hoa hồng, tham nhũng. Thế nên, đề nghị thêm cán bộ, công chức, viên chức kê khai cho minh bạch góp phần theo dõi thủ trưởng của mình, không phân biệt Đảng viên hay không”.
Tán thành với nội dung dự thảo Luật, đặc biệt là một số điểm mới được đưa ra trong Dự thảo, tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng các quy định đó mới chỉ mang tính chất phòng ngừa, chứ chưa thực sự hữu hiệu để chống tham nhũng. Muốn chống tham nhũng hiệu quả, nhiều đại biểu kiến nghị nên thành lập một cơ quan điều tra độc lập đủ mạnh để phòng chống tham nhũng.
Theo ông Nguyễn Thành Tâm - Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh: “Có rất nhiều ý kiến cho rằng thực tế công tác phòng, chống tham nhũng chưa hiệu quả cho nên cần phải xây dựng một cơ chế và giao thẩm quyền mạnh hơn cho các cơ quan để làm sao thực hiện được tốt việc phát hiện và truy tố xét xử đối với tội tham nhũng.
Cơ quan này phải có quyền lực thực sự mạnh, đủ điều kiện năng lực để thực hiện nhiệm vụ thông qua việc đảm bảo tính độc lập của mình và tránh sự tác động của các cơ quan, bởi vì chống tham nhũng là chống lại những hành vi vi phạm trong chính bộ máy Nhà nước. Nếu cơ quan này không có đủ quyền lực thì hiệu quả sẽ không cao”.
Bổ sung thêm ý kiến, ông Trần Đình Nhã - Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng: “Hiện nay, lực lượng chống tham nhũng của chúng ta bị phân tán, chưa mạnh. Chúng ta đã có cơ quan chuyên trách nhưng chưa đủ mạnh để xử lý tham nhũng lan tràn như hiện nay. Chúng ta phải có cơ quan mạnh không chỉ về binh lực mà về cả thẩm quyền. Cơ quan này phải trực thuộc Quốc hội và do Ban chỉ đoạ Trung ương trực tiếp chỉ đạo”.
Theo một số đại biểu, cùng với việc lập Ban chỉ đạo Trung ương do Tổng Bí thư đứng đầu thì đây chính là thời điểm chín muồi để Quốc hội lập cơ quan độc lập chuyên trách điều tra tội phạm chống tham nhũng. Cơ quan này chỉ tập trung vào điều tra các hành vi tham ô, hối lộ và lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi cá nhân.