Chủ quan + bị động = hậu quả nặng nề

-Thứ sáu, ngày 02/11/2012 08:24 GMT+7

Tại xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải, Thái Bình, gần 1000ha diện tích nuôi ngao xuất khẩu đã mất trắng, thiệt hại lên tới hàng chục tỷ đồng. Ảnh: VOV

Bão số 8 với diễn biến bất thường, các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng gần như không có khái niệm bão đến. Chủ quan và bị động đã để lại những hậu quả nặng nề...

Cụm công nghiệp Xuân Quang nằm trên địa bàn huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình giờ chỉ còn là một đống sắt vụn. Bão số 8 gây thiệt hại lên đến 5 tỷ đồng vì nhà xưởng đã gần hoàn thiện chuẩn bị đi vào sản xuất. Ông Phạm Văn Bộ, cán bộ nhà máy Hưng Cúc, Đông Hưng, Thái Bình cho biết, khi nghe tin bão số 8, không ai nghĩ thời điểm này bão về đất liền, bởi vậy sự chủ động phòng chống gần như không có.

“Đây là bão trái mùa so với miền Bắc, vì vậy không chỉ riêng chúng tôi chủ quan mà cả vùng Bắc bộ hầu như rất chủ quan”, ông Bộ nói.

Cũng chỉ vì dựa vào kinh nghiệm để cho rằng bão không bao giờ ra miền Bắc khi đã qua rằm tháng 9, nên cánh đồng sản xuất vụ đông, gần 140ha của xã Thụy Bình với những cây có giá trị cao đã bị thiệt hại nặng. 8 sào vụ đông của bà Phạm Thị Thiệm, xã Thụy Bình, Thái Thụy, Thái Bình gần như mất trắng vì bà không nghĩ nó phải được bảo vệ bởi thiên tai ở thời điểm này. Bà nói: “Nói chung là bị động, vì chẳng ai ngờ tháng này mà còn bão to như vậy…”.

Xót của vì bão, có gia đình đã có suy nghĩ tiêu cực rằng, sang năm không dám trồng nhiều, bởi trồng nhiều thì mất nhiều. Những suy nghĩ thiếu tích cực này là khá phổ biến vì thiệt hại quá lớn. Theo thống kê của Cục Trồng trọt, bên cạnh hơn 35.000 ha lúa chưa gặt trước bão, đến thời điểm này trong 160.000 ha vụ đông tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng đã có gần 80.000 ha thiệt hại 70-90%. Khôi phục sản xuất đang là vấn đề đặt ra cho các cấp chính quyền để có thể lấy lại niềm tin cho người dân.

Ông Lê Quốc Doanh, Cục trưởng cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT khuyến cáo: “Đề nghị các địa phương có thể gieo trồng một số cây như khoai tây, rau màu khác để phần nào bù lại diện tích đã mất”.

Dù gặt chạy trước bão nhưng Thái Bình vẫn còn 5.000 ha lúa chưa kịp thu hoạch trước khi bão đổ bộ, trong đó tập trung nhiều ở huyện Tiền Hải và vùng giáp thành phố Thái Bình. Sau bão, mỗi sào lúa nông dân mất đứt 1 tạ thóc, chỉ riêng thiệt hại về nông nghiệp, Thái Bình đã mất hơn 1.000 tỷ đồng. Thiệt hại này có thể sẽ ít hơn nếu người dân không nghĩ thiên tai xảy ra theo quy luật.

Ông Trần Xuân Định, PGĐ sở NN&PTNT tỉnh Thái Bình cho biết: “Chúng tôi vận động bà con thu hoạch, sơ tán dân thì bà con nói: Bão không vào vì cho chân xuống nước thấy lạnh lắm. Theo kinh nghiệm của bà con, bão không vào nhưng đến bây giờ... Cơn bão này là một bài học hết sức lớn và đau xót…”.

Rõ ràng đối với các tỉnh đồng bằng sông Hồng cơn bão số 8 là bão trái mùa, chưa từng xảy ra trong tiền lệ. Điều đó cho thấy biến đổi khí hậu đang tạo ra những hình thái thời tiết khó có thể đoán định. Ở đó việc vận dụng kinh nghiệm dân gian hay quy luật hàng năm đều khó có thể chính xác. Không chủ quan và chủ động có biện pháp phòng chống là bài học cần nhìn nhận từ cơn bão này khi mùa mưa bão còn đang tiếp diễn.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước