Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp các Đại sứ trình Quốc thư

Quang Anh - Văn Khương - Trần Nam (Ban Thời sự)-Thứ ba, ngày 07/08/2018 21:04 GMT+7

VTV.vn - Ngày 7/8, các Đại sứ Chile, Anh, Ba Lan, Gambia, Uganda, Nepal, Jamaica, Guatemala và Botswana đã trình Quốc thư lên Chủ tịch nước nhân dịp nhận nhiệm vụ tại Việt Nam.

Sau lễ trình quốc thư, Chủ tịch nước đã lần lượt tiếp các Đại sứ. Tiếp Đại sứ Chile, Chủ tịch nước khẳng định quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, cho biết Việt Nam coi Chile là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latin. Chủ tịch nước đề nghị hai bên tiếp tục duy trì trao đổi đoàn cấp cao, tăng cường hợp tác thương mại, duy trì các cơ chế hợp tác song phương và phối hợp chặt chẽ tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương, nhất là tại Liên Hợp Quốc, APEC và CPTPP. Cảm ơn Chile đã ủng hộ Việt Nam ứng cử tại các tổ chức quốc tế và đăng cai tổ chức thành công năm APEC 2017 tại Đà Nẵng, Chủ tịch nước cho biết Việt Nam sẽ hợp tác chặt chẽ với Chile để tổ chức thành công APEC 2019, khẳng định các Bộ, ngành của Việt Nam phối hợp chặt chẽ, tạo thuận lợi cho Đại sứ hoàn thành tốt nhiệm kỳ tại Việt Nam.

Chúc mừng thành công của năm APEC 2017, Đại sứ mong muốn Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm cho việc đăng cai APEC 2019, mong muốn Quốc hội hai nước sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý phê chuẩn và thông qua Hiệp định toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.

Tiếp Đại sứ Anh Gareth Ward, Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam luôn coi trọng tăng cường quan hệ với Anh. Chủ tịch nước đề nghị hai bên tăng cường hợp tác giáo dục và đào tạo, đặc biệt là đào tạo nhân lực trong các lĩnh vực luật, tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ cao và giảng dạy tiếng Anh. Cùng với đó hai bên cần tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch, thúc đẩy các doanh nghiệp Anh đẩy mạnh đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Chủ tịch nước mong muốn Anh giúp Việt Nam tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ Thịnh vượng, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam như cải thiện môi trường kinh doanh, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển cơ sở hạ tầng, đề nghị Anh ủng hộ Việt Nam tăng cường quan hệ với Liên minh châu Âu, thúc đẩy sớm ký và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU.

Đại sứ khẳng định Anh sẽ duy trì quan hệ thương mại tự do với Việt Nam, mong muốn trở thành đối tác đối thoại với ASEAN, tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội môi trường, giáo dục, thúc đẩy hợp tác giao dục, du lịch.

Chúc mừng Đại sứ Ba Lan nhận nhiệm vụ, Chủ tịch nước đánh giá cao những bước phát triển mạnh mẽ trong quan hệ chính trị giữa hai nước, thể hiện qua việc thường xuyên trao đổi đoàn và đà tăng trưởng ấn tượng trong kim ngạch thương mại hai chiều. Chủ tịch nước đề nghị hai bên thúc đẩy hợp tác thương mại - đầu tư, phối hợp tìm kiếm các dự án phù hợp để giải ngân hiệu quả khoản tín dụng ưu đãi Ba Lan dành cho Việt Nam cũng như hợp tác trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo và du lịch. Chủ tịch nước đề nghị hai bên phối hợp chặt chẽ và hợp tác hiệu quả tại các diễn đàn đa phương, đề nghị Ba Lan tiếp tục ủng hộ, thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, sớm ký và phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu và Hiệp định bảo hộ đầu tư.

Cho biết Việt Nam có một vị trí quan trọng đối với Ba Lan, Đại sứ sẽ nỗ lực thúc đẩy trao đổi đoàn, tăng cường hợp tác giữa hai nước; đẩy mạnh vai trò của văn phòng đại diện Cục Đầu tư nước ngoài tại TP.HCM, đồng thời giải ngân những ưu đãi Ba Lan dành cho Việt Nam.

Tiếp Đại sứ Gambia, Chủ tịch nước cho biết Việt Nam ủng hộ những nỗ lực của Gambia trong xóa đói giảm nghèo, đề nghị hai bên thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp, tiếp tục ủng hộ Việt Nam ứng cử tại các tổ chức quốc tế và tăng cường giao lưu nhân dân. Hai bên cũng cần trao đổi và ký các văn bản pháp lý, tạo tiền đề cho hợp tác trong nông nghiệp, kinh tế biển và du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp hai nước tìm kiếm cơ hội kinh doanh.

Đại sứ cho biết Gambia mong muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực lúa gạo, đồng thời khẳng định Gambia luôn ủng hộ Việt Nam trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc.

Tiếp Đại sứ Uganda, Chủ tịch nước cho biết Việt Nam coi trọng quan hệ với các nước châu Phi nói chung và quan hệ với Uganda nói riêng, mong muốn Uganda đã tiếp tục ủng hộ Việt Nam tại các diễn đàn đa phương, thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp, tăng cường hợp tác kinh tế, quảng bá tiềm năng thương mại và đầu tư tới doanh nghiệp hai nước. Chủ tịch nước cũng cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ và hợp tác cùng Uganda trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, dệt may, sản xuất chế tạo, xây dựng. Đại sứ mong muốn hai bên tăng cường hợp tác về khoa học, kỹ thuật, nông nghiệp, văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân, khẳng định Uganda có thể giúp các nhà đầu tư Việt Nam tiếp cận thị trường châu Phi.

Tiếp Đại sứ Nepal, Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với các nước bạn bè truyền thống trong đó có Nepal, đề nghị Đại sứ thúc đẩy trao đổi đoàn cấp cao và các cấp trên tất cả các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội. Tăng cường giao lưu nhân dân và trao đổi các đoàn doanh nghiệp hai nước để tìm hiểu và khai thác thị trường của nhau, tiến tới hợp tác làm ăn, buôn bán. Chủ tịch nước cũng đề nghị hai bên cần tiếp tục phối hợp tốt tại các diễn đàn khu vực và quốc tế trong thời gian tới. Đại sứ cho biết Nepal luôn ủng hộ nhân dân Việt Nam, chúc mừng những thành tựu của Việt Nam, mong muốn hai bên tăng cường trao đổi đoàn, thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư - du lịch và sẽ nỗ lực hết sức mình trong nhiệm kỳ.

Tiếp Đại sứ Jamaica, Chủ tịch nước cho biết Việt Nam luôn trân trọng sự ủng hộ mà Jamaica dành cho nhân dân Việt Nam, đề nghị hai bên tăng cường trao đổi đoàn các cấp, Bộ, ngành và doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp hai bên tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại thị trường của nhau. Nhân dịp này, Chủ tịch nước đề nghị Chính phủ Jamaica công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Hai bên cũng cần hợp tác, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm và phối hợp chặt chẽ tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương như Liên Hợp Quốc, phong trào không liên kết. Đại sứ cho biết trên nền tảng 42 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hai nước cần tiếp tục thắt chặt quan hệ hữu nghị truyền thống. Đại sứ đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam, mong muốn Việt Nam chia sẻ những kinh nghiệm trong phát triển kinh tế - xã hội.

Tiếp Đại sứ Guatemala, Chủ tịch nước cho rằng hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng, đặc biệt trong nông nghiệp, công nghiệp, khoa học kỹ thuật, dịch vụ. Chủ tịch nước mong muốn hai nước thúc đẩy các chuyến thăm cấp cao, xúc tiến thương mại giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước, thúc đẩy ký kết hợp tác về kinh tế, thương mại, khoa học kỹ thuật, đề nghị Chính phủ Guatemala công nhận Quy chế Kinh tế thị trường của Việt Nam. Chủ tịch nước đề nghị Guatemala ủng hộ Việt Nam ứng cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Đại sứ bày tỏ sự ngưỡng mộ về lịch sử hào hùng của Việt Nam và những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội. Tán thành ý kiến của Chủ tịch nước về phương hướng hợp tác giữa hai nước, Đại sứ khẳng định sẽ nỗ lực làm cầu nối giữa nhân dân hai nước cũng như quảng bá mạnh mẽ hơn nữa hình ảnh của Việt Nam.

Tiếp Đại sứ Botswana, Chủ tịch nước đề nghị hai bên tăng cường trao đổi đoàn, trân trọng mời Tổng thống Botswana thăm Việt Nam nhân 10 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2019. Chủ tịch nước cũng đề nghị Botswana ủng hộ Việt Nam ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, xem xét sớm ký Hiệp định khung hợp tác về kinh tế, văn hóa, giáo dục, công nghệ thông tin và thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch. Đại sứ cho biết Botswana rất quan tâm học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, khẳng định sẽ nỗ lực thúc đẩy quan hệ hai nước trong nhiệm kỳ công tác.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước