Chủ tịch nước yêu cầu rà soát vụ án Huỳnh Thị Huyền Như

Mạnh Hùng-Thứ sáu, ngày 09/05/2014 19:46 GMT+7

Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như được áp giải đến Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh để xét xử. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang yêu cầu các cơ quan bảo vệ pháp luật khẩn trương rà soát vụ án, làm rõ hành vi phạm tội của các bị cáo.

Trong gần như cả tháng đầu tiên của năm nay, vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và các đồng phạm với tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và “cho vay nặng lãi” đã được Tòa án Nhân dân TP.HCM xét xử sơ thẩm.

Đây không chỉ là vụ án lớn nhất trong lịch sử ngành Ngân hàng Việt Nam, mà còn là một trong những vụ án kinh tế lớn nhất tại Việt Nam trong thời gian qua với số tiền chiếm đoạt trên 4.000 tỷ đồng và số tiền có nguy cơ không thu hồi được là trên 3.000 tỷ đồng.

Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên là Phó phòng Quản lý rủi ro Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank) chi nhánh TP.HCM bằng nhiều thủ đoạn khác nhau đã lừa đảo chiếm đoạt tiền của 9 công ty, 4 ngân hàng và 3 cá nhân.

Cụ thể, Huyền Như và đồng bọn đã dùng các hợp đồng giả và chữ ký giả huy động vốn với lãi suất cao hơn quy định từ 8% đến 10% /năm khiến chỉ riêng 3 công ty là Phúc Vinh, Thịnh Phát và Hưng Yên bị lừa với số tiền lên tới gần 1.600 tỷ đồng. Đặc biệt, từ tháng 5/2010 - 11/2011, với thủ đoạn này, Huyền Như cũng đã chiếm đoạt gần 719 tỷ đồng của ngân hàng ACB ủy thác cho nhân viên gửi vào VietinBank chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TP HCM. Ngoài ra, Huyền Như đã dùng chữ ký giả, dấu giả lập các lệnh chi, chứng từ chuyển tiền, rút tiền chiếm đoạt 210 tỷ đồng từ tài khoản của Công ty Chứng khoán Saigonbank-Berjaya và trên 550 tỷ đồng từ tài khoản của Công ty Phương Đông và Công ty An Lộc.

Huyền Như đã đầu tư cổ phiếu với khối lượng rất lớn trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, từ tháng 5/2010 đến thời điểm khởi tố vụ án vào cuối năm 2011, TTCK giảm nhiều hơn tăng, càng đầu tư lớn, càng lỗ nặng, cộng với áp lực trả lãi với lãi suất trên 25%/năm, nên để có tiền chơi và trả khoản thua lỗ, Huyền Như đã buộc phải dùng các thủ đoạn lừa đảo nói trên để chiếm đoạt tiền của các khách hàng.

Dù tòa sơ thẩm đã tuyên án Huyền Như tù chung thân và 22 bị can khác mà phần lớn trong đó là nhân viên Vietinbank với mức án từ 1 - 15 năm tù, nhưng dư luận vẫn còn có nhiều điều chưa được giải tỏa sau phiên tòa. Đặc biệt trong đó là việc cần làm rõ số tiền trên 3.000 tỷ đồng có nguy cơ mất trắng đã đi đâu và đề nghị xem xét lại tội danh của Huỳnh Thị Huyền Như chỉ là lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay là tham ô và xem xét lại tư cách tham gia tố tụng của Vietinbank. Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng bản án có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, chưa công bằng, nghiêm minh và chưa đủ sức ngăn chặn, răn đe các tội phạm trong lĩnh vực kinh tế.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước