Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại phiên họp toàn thể IPU-137

Thu Trà - Đức Thuận - Trung Thành (Ban Thời sự)-Thứ hai, ngày 16/10/2017 22:38 GMT+7

VTV.vn - Chiều 15/10 (theo giờ địa phương), tại thành phố Saint Peterburg, Liên bang Nga, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới IPU-137 tiến hành phiên họp toàn thể.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đề xuất những vấn đề để thúc đẩy đa dạng văn hóa, hòa bình thông qua đối thoại tôn giáo và dân tộc.

Nhấn mạnh sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ đang đem lại cho các quốc gia, đặc biệt là những nền văn hóa, tôn giáo cơ hội đến gần nhau hơn, song Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ ra những vấn đề thế giới đang phải đối mặt như biến đổi khí hậu, đói nghèo, chủ nghĩa khủng bố, an ninh phi truyền thống, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, cực đoan, xung đột sắc tộc, tôn giáo.

Ở một số nơi, đạn bom vẫn nổ, bạo lực gia tăng, các công trình văn hóa bị hủy hoại, niềm tin tôn giáo bị xâm hại. Thực tế cho thấy, súng đạn, chiến tranh, bạo lực không thể giải quyết các vấn đề xung đột trong thế giới. Chỉ có lòng khoan dung, sự đối thoại chân thành, tôn trọng, tin cậy, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, các tôn giáo mới có thể đưa lại hòa bình và bình yên cho thế giới. Với tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao chủ đề của IPU-137.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu: "Chủ đề lần này thể hiện sự tiếp nối tinh thần của tuyên bố Quebec về công dân, bản sắc và sự đa dạng ngôn ngữ và văn hóa trong thế giới toàn cầu được IPU thông qua năm 2012, phù hợp với tinh thần Bản Tuyên bố toàn cầu về đa dạng văn hóa của UNESCO năm 2001. Điều đó có ý nghĩa to lớn là chủ đề này lại được thảo luận ngay tại một đất nước có một nền văn hóa lớn lâu đời, một đất nước mà tinh thần đoàn kết dân tộc, khát vọng hòa bình, chống bất công đã được thắp sáng và đề cao bởi cuộc cách mạng Tháng 10 trước đây".

Giới thiệu về văn hóa và tôn giáo của Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội cho biết quyền bình đẳng giữa các dân tộc, các tôn giáo đã được khẳng định trong tất cả các bản Hiến pháp. Nhà nước Việt Nam luôn dành các chính sách hỗ trợ cho các dân tộc ít người để tạo điều kiện cho họ phát triển bình đẳng và từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các dân tộc. Trên cơ sở đó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Liên minh Nghị viện thế giới tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các cơ chế của Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế với các Nghị viện thành viên trong việc thúc đẩy sáng kiến, hành động của các nhà lập pháp vì hòa bình, hợp tác và đoàn kết giữa các dân tộc, các tôn giáo.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu: "Đề nghị Liên minh Nghị viện khuyến khích các nghị viện thành viên tích cực xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý bảo đảm quyền bình đẳng của các dân tộc, các tôn giáo trước pháp luật, tạo cơ sở pháp lý vững chắc bảo vệ, phát huy văn hóa dân tộc, tự do tôn giáo, xử lý hài hòa lợi ích của người dân, của cộng đồng với lợi ích của đất nước trong sự phát triển; đồng thời tăng cường giám sát việc thực thi các chính sách của Chính phủ nhằm bảo vệ quyền, lợi ích của người dân, đối xử công bằng, bình đẳng với mọi thành phần xã hội từ các dân tộc, tôn giáo, các nền văn hóa khác nhau, qua đó góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc".

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị rà soát, xóa bỏ các điều luật, các quy định mang tính phân biệt đối xử, bảo đảm sự tham gia của mọi thành phần xã hội vào đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước; đồng thời khuyến khích các quốc gia xây dựng các tiêu chí đánh giá về hiệu quả chính sách pháp luật đối với các nhóm dân tộc, sắc tộc và các tôn giáo nhằm bảo đảm sự bình đẳng, công bằng cho tất cả mọi người trong xã hội.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước