Trong năm 2016, trên cả nước đã xảy ra 3.006 vụ cháy, làm 98 người chết, bị thương 180 người và gây thiệt hại về tài sản lên đến 1.240 tỷ đồng. Theo thống kê, có 29 vụ cháy lớn gây thiệt hại lớn về người và tài sản, chủ yếu xảy ra ở nhà dân, nhà liền kề, nhà ở kết hợp kinh doanh.
Theo số liệu tổng kết của Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội, trong đợt kiểm tra các quán karaoke trên địa bàn vừa qua, có 118 quán karaoke đủ tiêu chuẩn đảm bảo an toàn trên tổng số 1.569 quán, tức là chiếm chưa đến 10%. Trong khi đó, có đến 511 quán karaoke vi phạm và không đảm bảo điều kiện phòng cháy chữa cháy; có khoảng 940 quán tồn tại thiếu sót có thể khắc phục được. Đối với những trường hợp nhiều sai phạm, nguy cơ cháy nổ cao, lực lượng chứng năng đã yêu cầu đình chỉ hoạt động để khắc phục.
Từ năm 2015 đến thời điểm này, TP Hà Nội xảy ra 10 vụ cháy quán karaoke, đã khởi tố và truy tố 4 vụ. Cơ quan chức năng cũng có biết vụ cháy quán karaoke số 68 đường Trần Thái Tông sẽ sớm đưa ra truy tố các đối tượng gây nên vụ việc.
Chỉ có khoảng 8% quán karaoke đảm bảo PCCC trên trong số 1.569 quán karaoke trên địa bàn TP Hà Nội
Theo Đại tá Nguyễn Trường Sơn - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 2, CATP Hà Nội: "Hầu hết các hộ kinh doanh đều thuê mặt bằng nên họ khá gấp gáp trong hoạt động buôn bán mà bỏ qua mất khâu PCCC. Họ chuyển đổi từ nhà ở thành cơ sở kinh doanh nên không đảm bảo điều kiện PCCC và thoát nạn. Nếu chúng ta chỉ nghĩ đến việc kinh doanh mà không đảm bảo được công tác PCCC thì nếu có rủi ro cháy nổ xảy ra sẽ không lường trước được hậu quả".
Đại tá Nguyễn Trường Sơn cho biết: "Ở những cơ sở kinh doanh như karaoke, nhà hàng phải có quy định, nội quy, sơ đồ chỉ dẫn thoát hiểm để khách có thể nhận biết. Hầu hết các quán karaoke đều sử dụng thang máy để khách di chuyển, còn những lối đi thoát hiểm, cầu thang bộ thì chỉ có nhân viên mới biết được. Khi xảy ra cháy, khói mịt mù thì khách cũng khó tìm được lối thoát nạn".
Hiện cơ quan công an, cảnh sát PCCC các đơn vị đang tiến hành tổ chức nghiên cứu, triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật PCCC, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC bảo đảm tính hợp pháp, thống nhất và tính khả thi; rà soát các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn hiện hành. Qua đó, kịp thời phát hiện những quy định còn bất hợp lý, chồng chéo để đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới cho phù hợp, nhất là các tiêu chuẩn, quy chuẩn, tiêu chí quy định an toàn PCCC cho các mô hình cơ sở mới xuất hiện có nguy cơ cháy, nổ cao;
Ngoài ra, các cơ quan chức năng liên tục tuyên truyền, phổ biến kiến thức về PCCC, kỹ năng xử lý tình huống cháy, nổ khi mới phát sinh, gắn kết chặt chẽ phong trào toàn dân tham gia PCCC.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!