Cùng ra đồng với bà con, lãnh đạo các cấp, các ngành ở tỉnh Bắc Ninh cũng kiểm tra thực trạng nguồn nước đưa về hệ thống các công trình thủy lợi. Tại các trạm bơm đầu mối ở khu vực Bắc và Nam Bắc Đuống, đoàn kiểm tra của tỉnh Bắc Ninh đã ghi nhận sự cố gắng của các cán bộ kĩ thuật Thủy lợi và điện lực trong suốt những ngày Tết vừa qua.
Thực tế, do đặc thù của một địa phương có địa hình phức tạp, đồng thời chú trọng đẩy mạnh sản xuất rau màu vụ đông, lại gặp rét muộn, rét đậm kéo dài, dẫn đến khó khăn trong gieo mạ và làm đất. Nhưng do điều tiết hợp lý của ngành điện lực và kế hoạch lấy nước rất chi tiết cho từng vùng, nên kết quả của địa phương rất khả quan.
Thực tế đến thời điểm này, theo tính toán của các cơ quan chuyên môn ngành điện lực và Tổng cục Thủy lợi, trong hai đợt xả nước đổ ái trước, tỷ lệ diện tích gieo cấy có nước toàn khu vực trung du, miền núi phía Bắc và đồng bằng Bắc Bộ đã đạt khoảng 10%. Điều đáng chú ý là bà con ra đồng với tâm trạng rất tự tin về mùa vụ.
Bà Chu Thị Hằng, xã Yên Phụ, Yên Phong, Bắc Ninh, nói: “Chúng tôi đưa nước vào ruộng cho mạ phục hồi lại rồi chỉ cấy mấy ngày là xong”.
Theo kế hoạch, thời gian xả nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân sẽ diễn ra trong 8 ngày, từ 0h ngày 16/2 đến 24h ngày 23/2, nhưng từ thực tế ở các địa phương, số ngày cả 3 đợt sẽ giảm tới 5,5 ngày, tiết kiệm 1,5 tỷ m3 nước. Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, vấn đề hiện nay là sự chỉ đạo sát sao của các cơ quan chức năng.
Đến nay, toàn vùng trung du miền núi phía bắc và đồng bằng Bắc Bộ, diện tích gieo cấy có nước đã đạt trên 10%. Cục Trồng trọt cũng khuyến cáo các địa phương, nếu tỷ lệ mạ chết rét vừa qua trên 50% cần xử lý đồng ruộng kỹ, tập trung gieo cấy lại và nên sử dụng giống lúa thuần, ngắn ngày.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!