Hai năm trở lại đây, ông Thạch Được (huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng) phải ngậm ngùi chia tay với cây mía do tình trạng hạn mặn khiến mía trồng không được. Từ chỗ đối diện với khó khăn, nhờ chính quyền địa phương vận động chuyển sang nuôi tôm, ông đã thắng lớn.
Con tôm hiện đang ngày càng thích nghi trên vùng đất Cù Lao Dung. Nhiều bà con Khmer đã nhạy bén học hỏi kinh nghiệm. Những dãy mía đã được thay bằng vuông tôm, cuộc sống người dân dần ổn định hơn trước.
Hơn 30% dân số của tỉnh Sóc Trăng là người dân tộc Khmer. Hai năm trước, đợt hạn mặn lịch sử đã khiến ngành nông nghiệp địa phương bị thiệt hại nặng nề với tổng trị giá gần 1.000 tỷ đồng. Từ những khó khăn, các mô hình hợp tác xã nông nghiệp đã ra đời trên cơ sở giảm gần 1.000ha diện tích trồng mía, chuyển sang nuôi trồng thủy sản, mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con dân tộc. Cuộc sống đồng bào dân tộc dần đổi thay tích cực trong thời hạn mặn.
Nhiều tỉnh ở ĐBSCL đang bước vào cao điểm của hạn mặn. Thay vì tìm mọi cách để chống lại, việc thích ứng bằng cách thay đổi vật nuôi, cây trồng phù hợp là vấn đề đang được đặt ra. Đặc biệt đối với những địa phương còn nhiều khó khăn, nơi có đông đồng bào dân tộc sinh sống, việc thích ứng bằng hướng đi riêng được xem là một điểm sáng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!