Chuyến thăm Nhật của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tạo bước tiến mới trong quan hệ Việt Nam - Nhật Bản

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 02/07/2019 21:08 GMT+7

VTV.vn - Chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng không chỉ tạo nên một xung lực mới cho quan hệ 2 nước mà còn là một cuộc xúc tiến đầu tư, thương mại trên quy mô lớn tại Nhật Bản.

Rạng sáng ngày 2/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 và thăm Nhật Bản. Diễn ra cùng với thời điểm Việt Nam và Liên minh châu Âu ký Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư, chuyến công du Nhật Bản lần này của Thủ tướng chuyển đi một thông điệp mạnh mẽ về việc Việt Nam luôn ủng hộ thương mại tự do và sẵn sàng thu hút các dòng đầu tư với công nghệ cao để nền kinh tế tăng tốc trong những năm tới.

Đây là lần thứ hai Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị thượng đỉnh của 20 nền kinh tế phát triển nhất thế giới G 20. Nếu năm 2017 tại Đức, Việt Nam tham dự với tư cách là nước Chủ tịch Năm APEC 2017, năm nay, Việt Nam là một khách mời đặc biệt của nước chủ nhà. Trong 10 năm qua, Việt Nam đã 4 lần được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20, nhưng trong vòng hơn 2 năm qua, Nhật Bản đã mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự liên tiếp 2 Hội nghị thượng đỉnh: đầu tiên là G7 và nay là G20. Sự kiện này càng có ý nghĩa hơn khi Việt Nam vừa trúng cử Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay diễn ra trong bối cảnh căng thẳng chính trị trên thế giới gia tăng, đi cùng với cạnh tranh thương mại diễn ra gay gắt, nên hội nghị đã có một phiên thảo luận về tình hình kinh tế thế giới, nhằm thể hiện quyết tâm của các nước muốn duy trì hệ thống thương mại tự do, mở, đa phương và dựa trên luật lệ để đảm bảo các luồng hàng hóa thông thương tự do giữa các nước.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thể hiện rõ quan điểm của Việt Nam muốn góp phần vào việc duy trì hệ thống thương mại đa phương mở, dựa trên luật lệ, nhằm duy trì phục hồi và tăng trưởng của kinh tế thế giới.

Mặc dù là khách mời của Hội nghị thượng đỉnh G20, nhưng Việt Nam đã đưa ra nhiều ý kiến rất thực tiễn và đóng góp sáng kiến để giải quyết các vấn đề toàn cầu. Tại phiên thảo luận về đổi mới sáng tạo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ủng hộ sáng kiến của Thủ tướng Shinzo Abe về lưu chuyển tự do dữ liệu đi đôi với khuôn khổ pháp luật, quy tắc toàn cầu về lưu chuyển và quản trị dữ liệu. Bởi theo Thủ tướng con người là trung tâm của đổi mới sáng tạo, nên mọi sáng tạo công nghệ trước hết phải vì con người và gìn giữ các giá trị đạo đức nhân văn tốt đẹp.

Còn tại phiên thảo luận về khí hậu - môi trường, phát triển bền vững, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ thiết thực cho các nước dễ tổn thương về biến đổi khí hậu, trong đó có Việt Nam với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, là vựa lúa bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu gạo cho nhiều nước.

Trong thời gian tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao đổi và hội kiến với lãnh đạo của 20 nước và các tổ chức quốc tế nhằm thúc đẩy hợp tác. Thủ tướng đã có tới 4 lần gặp và trao đổi rất cởi mở với Tổng thống Mỹ Donal Trump về quan hệ giữa 2 nước, nhất là những hành động cụ thể của Việt Nam để hướng tới cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước.

Cùng với thông điệp cả 2 cùng thắng của 2 nhà lãnh đạo, Tổng thống Donal Trump cũng khẳng định với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn ủng hộ sự phát triển của Việt Nam, trong điều kiện một đất nước còn khó khăn.

Dù ngay sau Hội nghị thượng đỉnh G20 và trước chuyến thăm tới Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quay trở lại Việt Nam để chứng kiến giờ phút lịch sử của quan hệ giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, khi 2 bên ký Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư, nhưng không vì thế mà các sự kiện trong chuyến thăm bị giảm bớt.

Chỉ trong 20 tiếng ở Tokyo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự gần 20 sự kiện. Trong đó, tại cuộc hội đàm với Thủ tướng Shinzo Abe, 2 Thủ tướng đã thảo luận toàn diện các lĩnh vực hợp tác song phương từ chính trị, an ninh - quốc phòng, kinh tế, cho đến giáo dục đào tạo, đưa thực tập sinh của Việt Nam sang Nhật Bản và mở cửa thị trường cho các trái cây của 2 nước. Thủ tướng Shinzo Abe đã thể hiện tình cảm và sự đón tiếp trọng thị với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi ra tận xe để đón và tiễn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Cuộc hội đàm giữa 2 Thủ tướng cũng kéo dài hơn nửa giờ so với kế hoạch.

Thủ tướng Shinzo Abe cũng khẳng định với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc Nhật Bản sẽ tích cực hỗ trợ Việt Nam xây dựng Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, đi cùng với giúp Việt Nam đào tạo cán bộ và đào tạo nghề cho thanh niên, cũng như giúp Việt Nam ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Việc 2 nước ký được Bản ghi nhớ hợp tác về khung pháp lý cơ bản để thực hiện đúng chương trình "Lao động kỹ năng đặc định" sẽ tạo điều kiện cho những người có trình độ cao, sau khi đã hoàn thành thời gian làm việc 3 năm và du học sinh đã học tiếng Nhật 2 năm, tốt nghiệp hệ trung cấp sẽ được xem xét tiếp tục đào tạo, làm việc tại Nhật Bản.

Bản ghi nhớ về việc tiếp tục thúc đẩy các hoạt động hợp tác đưa mô hình đào tạo nghề Kosen vào các trường đào tạo nghề Việt Nam được ký trong chuyến thăm cũng sẽ giúp thay đổi chất lượng đào tạo nghề. Vì từ năm 1961 đến nay, Nhật Bản đã rất thành công với mô hình đào tạo nghề gắn với nhu cầu của các doanh nghiệp này.

Bên cạnh đó, Việt Nam và Nhật Bản cũng sẽ tăng cường hợp tác y tế thông qua thỏa thuận thực hiện Sáng kiến sức khỏe châu Á. Một chương trình nhằm tăng cường hợp tác giữa Nhật Bản với các nước, trước hết là Việt Nam, để giải quyết các vấn đề liên quan đến chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.

Chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không chỉ tạo nên một xung lực mới cho quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng giữa 2 nước, mà còn là một cuộc xúc tiến đầu tư, thương mại cấp cao trên quy mô lớn tại Nhật Bản. Ngay trước chuyến thăm, Thủ tướng đã làm việc với các bộ, ngành để tháo gỡ nhiều khó khăn cho doanh nghiệp Nhật Bản. Ngay trong chuyến thăm này, nhiều đề xuất của các tập đoàn lớn cũng đã được Thủ tướng ghi nhận và giao các bộ tìm cách tháo gỡ. 32 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp 2 nước được ký với tổng giá trị lên đến 8,3 tỷ USD, trong đó có những dự án lên đến 3 tỷ USD và dự án của Nidec sản xuất thiết bị điện tử có vốn đầu tư tới 1 tỷ USD ở Hà Nội hay Tập đoàn bán lẻ AEON đầu tư thêm vào Hà Nội hơn nửa tỷ USD cho thấy Việt Nam vẫn là sức hút rất lớn đối với các nhà đầu tư Nhật Bản.

Chuyến tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 và thăm Nhật Bản lần thứ tư trong vòng 4 năm qua của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng là chuyến thăm Nhật Bản đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam sau khi Nhà vua Naruhito lên ngôi với thời kỳ mới Lệnh hòa, thời kỳ Thủ tướng cho rằng hứa hẹn một chương hợp tác mới với nhiều điều may mắn, tốt đẹp và thành công cho cả 2 nước.

Cùng với việc Việt Nam và Liên minh châu Âu ký Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư, các hoạt động trong chuyến công du tới Nhật Bản lần này một lần nữa đã cho thấy "Việt Nam không tham vọng trở thành người giỏi nhất trong toàn cầu hóa, nhưng Việt Nam muốn là bạn của người giỏi nhất. Việt Nam có đủ tự tin để làm điều đó" để tạo thêm động lực cho nền kinh tế tăng tốc trong những năm tới.

Việt Nam luôn coi Nhật Bản là đối tác tin cậy và quan trọng hàng đầu Việt Nam luôn coi Nhật Bản là đối tác tin cậy và quan trọng hàng đầu

VTV.vn - Trưa nay (1/7), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước