Chuyện về những người “lính nhà đèn” ở Trường Sa

Xuân Dung-Thứ tư, ngày 01/05/2013 07:11 GMT+7

 Nói tới Trường Sa chúng ta thường nói tới những chiến sỹ đang ngày đêm canh giữ vùng trời, vùng biển của Tổ quốc. Thế nhưng, cùng với các chiến sỹ ở Trường Sa còn có những người thợ đèn đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ những ngọn hải đăng của Tổ quốc.

Họ đến từ nhiều vùng quê khác nhau, giọng nói phong tục khác nhau, nhưng họ đang cùng chung sức gìn giữ và canh giữ để những ngọn đèn biển thắp sáng trong đêm, làm điểm mốc cho tàu thuyền qua lại trong đêm tối giữa đại dương bao la. Và hơn hết, những ngọn hải đăng còn là những cột mốc khẳng định hải phận và chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.

Trạm Hải đăng Trường Sa Lớn là một trong những trạm hải đang lớn nhất ở quần đảo Trường Sa. Bắt đầu từ 0h và kết thúc vào 24h, công việc của những người thợ đèn không có một giây phút được nghỉ.

Anh Vũ Sỹ Lưu - Trạm trưởng Trạm Hải Đăng Trường Sa Lớn đã quá quen với việc leo trèo lên đỉnh các trạm hải đăng ở quần đảo Trường Sa này. 20 năm lăn lộn hết từ đảo này sang đảo khác, anh là người có thâm niên lâu nhất so với 6 cán bộ tại trạm hải đăng này.

Biển Trường Sa có độ mặn cao gấp 2 lần các vùng biển khác. Nó làm cho công việc của những người thợ đèn trở nên bận rộn hơn.

Anh Vũ Sỹ Lưu cho biết: “Ảnh hưởng của muối mặn ngoài biển Đông này lớn lắm. Cứ vài phút sau là đã thấy hơi nước mặn bám vào thành lan can bằng inox mà cũng đã bị gỉ. Vì thế mà con người ở đây cứ đen sạm cả ra”.

Nhưng có lẽ so với trạm hải đăng ở đảo nổi thì cán bộ nhà đèn ở các trạm hải đăng ở các đảo chìm gian khổ hơn nhiều vì sóng to gió lớn.

Cây đèn biển đầu tiên được xây dựng vào năm 1994 là đèn biển ở đảo chìm Đá Lát được lắp ghép bằng thép, xây trên nền san hô. Đã 20 năm hoạt động, trong điều kiện thời tiết hết sức khắc nghiệt, mỗi khi giông tố, việc kiểm tra đèn vô cùng nguy hiểm, thậm chí là đe dọa tới tính mạng của người thợ nhà đèn.

‘ Trước khi mặt trời lặn, những người lính nhà đèn đều kiểm tra lại đèn và thiết bị của ngọn hải đăng.(Ảnh khai thác )


Ông Nguyễn Duy Hiết - GĐ Công ty Bảo hiểm an toàn hàng hải Biển Đông và Hải Đảo nói: “Hiện giờ, sinh hoạt của cái đèn đó rất phức tạp vốn được xây dựng lâu rồi. Độ rung rất lớn”.

200 cán bộ công nhân viên thuộc Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam hiện đang quản lý 9 ngọn đèn biển tại quần đảo Trường Sa đó là Đá Lát, Đá Tây, An Bang, Tiên Nữ, Song Tử Tây, Trường Sa Lớn, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn. Cứ 6 tháng họ mới được về thăm nhà một lần. Những người đàn ông trụ cột gắn bó với những ngọn đèn biển để lại công việc gia đình, con cái, cha mẹ già cho những người vợ lo toan.

Ông Đinh La Thăng - Bộ Trưởng Bộ Giao Thông Vận tải chia sẻ: “Mình tiết kiệm những khoản chi không cần thiết như hành chính, hội họp, lễ nghi để tăng tiền lương và thu nhập cho anh em. Anh em ở ngoài này vật chất, tinh thần thiếu thốn, nhất là không có điều kiện chăm lo cho con cháu ở nhà”.

Ở đảo, cứ 2 tháng lại có tàu ra tiếp tế thực phẩm một lần. Những quả cà chua xanh được dành dụm cho từng bữa ăn. Trên những đảo chìm, nơi không có đất để trồng rau hay nuôi gà, những người thợ đèn cải thiện bữa ăn bằng những chiếc hộp xốp nhỏ trồng rau. Cuộc sống ở xa đất liền tuy có nhiều vất vả, nhưng những người thợ đèn luôn giữ ánh sáng đèn trong đêm tối. Từng nhịp đèn chớp nháy, là nhịp thở và sự sống của lính thợ đèn.

Cho dù trong mưa hay bão, những ngọn đèn hải đăng không bao giờ tắt bởi vì nó được thắp bằng tình yêu quê hương đất nước vô tận của cán bộ công nhân viên nhà đèn. Và người dân yêu quý đặt cho họ cái tên: những người lính nhà đèn.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước