Ăn ngủ dọc đường để lên đứng lớp
Cụm dân cư Pê Ta Pot thuộc xã Đắc Pring, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam là một trong những khu vực khó khăn nhất khi đường sá đi lại khó khăn, đời sống bà con dân tộc vẫn còn bữa đói, bữa no. Hiện tại cụm dân cư Pe Ta Pot vẫn chưa có điện thắp sáng, chưa có điện thoại, Internet.
Nằm được tình tình hình trên, Bộ đội biên phòng Đắc Pring từ nhiều năm qua thường xuyên tiếp cận, giúp đỡ bà con nơi đây, động viên người dân học chữ và tổ chức các sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Đặc biệt, lớp xóa mù chữ đã được tổ chức và duy trì ngay tại vùng biên xa xôi này.
Xã Đắc Pring, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam nằm ở biên giới với nước bạn Lào.
Trung úy Bling Hoài nhận nhiệm vụ dạy chữ cho bà con và các em nhỏ nơi đây từ năm 2004. Khi được hỏi về lớp học vùng biên mà anh đứng lớp, Trung úy Bling Hoài ánh lên niềm vui. Anh vui mừng chia sẻ: "Từ lớp học này, một số em đã kịp theo học lớp dưới thị xã. Có em cũng lớn tuổi rồi mới đi học, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng dạy để tối thiểu phải biết viết tên mình, ký tên, giới thiệu bản thân".
Người chiến sĩ 37 tuổi với 13 năm gieo con chữ cho trẻ em và bà con vùng biên giới giáp ranh nước bạn Lào cho hay, dù không theo học chuyên môn Sư phạm nhưng anh và các đồng đội luôn học hỏi, trau dồi kiến thức với mong muốn xóa mù chữ cho người dân nơi đây. "Dù khó khăn vất vả nhưng anh em ở Đồn biên phòng Đắc Bling đều cảm thấy phấn khởi", Trung úy Bling Hoài chia sẻ.
Đường vào cụm dân cư Pê Ta Pot là con đường mòn mỗi khi trời mưa là gần như không thể di chuyển được. Người thầy giáo mang quân hàm xanh kể, có lần anh phải chuẩn bị sẵn tư trang, lương thực để ăn ngủ dọc đường để lên với bà con. Việc ở lại cụm Pê Ta Pot cả tuần trong mỗi lần lên dạy chữ cũng trở nên thường xuyên.
Trung úy Bling Hoài chia sẻ, phải làm trước khi nói, làm nhiều hơn bà con khi đó mới vận động được học viên lên lớp.
"Ngoài việc dạy chữ, chúng tôi còn giúp bà con gặt lúa, làm cỏ, chỉ dẫn cách làm vườn,, tăng gia sản xuất, dọn vệ sinh khu vực thôn bản và trò chuyện tâm sự". Trung úy Bling Hoài cho hay: "Để bà con nghe mình, trước hết mình phải hành động, việc nhỏ nhất là làm vườn, tăng gia sản xuất chả hạn. Phải mặc đồ lao động để làm cùng bà con, hướng dẫn cho bà con, phải xuống ruộng cuốc đất cùng bà con. Mình phải làm gương trước cho bà con, thậm chí còn làm nhiều hơn bà con. Sau này, bà con đều nghe mình, chịu học chữ và cho con em tới học chữ".
Tiếp xúc nhiều cũng biết tiếng, qua đó tuyên truyền được đúng và kịp thời chủ trương của Đảng và Nhà nước đồng thời áp dụng vào thực tế theo đúng chủ trương. Bà con quý mến bằng cả tấm lòng thường mang quà tới tặng thầy như chuối, mía. Bà con trên đây rất nghèo, chỉ có chuối, mía tự trồng được và rủ thầy ăn cùng cho vui", Trung úy Bling Hoài xúc động kể.
Niềm hạnh phúc lớn lao khi được gọi là thầy
Quà 20/11 của Trung úy Bling Hoài là chuối, mía, còn tấm lòng của các trò dành cho người thầy mang quân hàm xanh Phạm Công Khanh ở Đồn biên phòng Bát Xát, tỉnh Lào Cai là những lời chúc, lời động viên. "Được gọi là một tiếng thầy là niềm vui, là hạnh phúc rồi", Thiếu tá Phạm Công Khanh chia sẻ.
Vượt qua những quãng đường đèo núi gập ghềnh khó đi, phải nghỉ chân nhiều chặng mới tới được lớp học ở xã Bản Vược, các chiến sĩ của Đồn biên phòng Bát Xát vẫn không quản ngại khó khăn, duy trì lớp học tại vùng biên thùy xa xôi.
Thầy giáo Phạm Công Khanh và các đồng đội đã vận động được 28 chị em có độ tuổi trung bình từ 30 đến 55 tuổi đến lớp đầy đủ. Ban đầu, tất cả học viên tham gia học tập đều không biết chữ, con số. Hiện nay, những học viên này đã quen với kỷ cương lớp học và rất thích thú khi đến lớp của thầy Khanh. Bản thân thầy Khanh đứng 2 lớp xóa mù chữ, hỗ trợ giúp đỡ nhiều học viên biết đánh vần, thực hiện phép tính.
"Việc học chữ của các chị em trong bản không chỉ giúp các chị hiểu về sách vở, về bài học mà giúp ích rất nhiều trong đời sống. Các chị đi chợ đã biết nhìn hạn sử dụng, biết vận dụng phương pháp chăm sóc con cái, biết chăn nuôi làm kinh tế, thậm chí, nhiều chị biết nhìn bản đồ mà không cần phải hỏi đường", thầy Khanh phấn khởi chia sẻ.
Thầy giáo, Thiếu tá Phạm Công Khanh đứng 2 lớp xóa mù chữ tại Lào Cai.
Trong số những học viên, thầy Khanh nhớ nhất là chị Phàn Thị Hằng. Ngày đầu đến lớp, chị Hằng không quen cầm bút, không biết đọc, biết viết bên cạnh đó chị còn phải một mình nuôi hai con đang độ tuổi ăn học. Hơn nữa, chị lại bị cận thị bẩm sinh nên việc nhìn chữ, số gặp rất nhiều khó khăn.
Nhờ sự giúp đỡ của các thầy cô giáo cùng với sự quyết tâm của bản thân nên chị rất chịu khó đến lớp. Sau hai năm học tập, đến tháng 6 vừa qua, từ chỗ không biết chữ, biết số, chị Hằng đã biết đọc thông, tính thạo và hoàn thành chương trình mức độ 2 tương đương với học sinh lớp 5.
Thiếu tá Phạm Công Khanh chia sẻ, bà con, trẻ em ở các vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo vẫn còn rất nhiều khó khăn và cần được giúp đỡ nhiều hơn nữa.
Ngoài ra, thầy Khanh cũng chia sẻ về một trường hợp em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà các thầy vẫn thường xuyên qua lại động viên, giúp đỡ, đó là em Hà Phương Anh. Ngay từ khi sinh ra, Phương Anh đã không có mẹ. Em lại bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam từ ông nội. Hiện tại, em đang được cô ruột – người cũng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhận nuôi. "Ai biết đến trường hợp của em Phương Anh cũng đều cảm thông và muốn giúp đỡ", Thiếu tá Phạm Công Khanh xúc động nói.
Thiếu tá Phạm Công Khanh và Trung úy Bling Hoài chỉ là hai trong số những điển hình tiêu biểu cho những người thầy giáo mang quân hàm xanh ngày ngày vẫn mang con chữ tới cho trẻ em, bà con vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo trên mọi miền Tổ quốc. Họ cũng là 2 trong 60 cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng vinh dự góp mặt trong Lễ tuyên dương "Chiến sỹ quân hàm xanh nâng bước em tới trường", thuộc khuôn khổ chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2017 tổ chức tại Hà Nội vừa qua; cũng như nhận Bằng khen từ Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!