Không khó để chúng ta có thể tìm kiếm các dịch vụ thi bằng lái xe với những hình thức gian lận để "chống trượt". Với mục tiêu đảm bảo người được cấp giấy phép lái xe hiểu biết đầy đủ về pháp luật cũng như có kỹ năng lái xe, cơ quan quản lý đã bổ sung câu hỏi lý thuyết và bài thi thực hành trên sa hình. Tuy nhiên, "nước nổi thì bèo nổi", thay vì tập trung ôn luyện, nhiều trường hợp lại tìm cách để gian lận trong kỳ sát hạch.
Thực tế cho thấy, tỉ lệ học viên thi đỗ không còn cao như trước đây. Việc giám sát chặt chẽ, nâng cao độ khó của bài thi là để đảm bảo những học viên vượt qua kỳ sát hạch cấp giấy phép lái xe có đầy đủ kỹ năng lái xe và hiểu biết về luật giao thông.
Để hạn chế tình trạng gian lận cần phải kiểm soát từ gốc, gốc ở đây chính là các trung tâm sát hạch lái xe. Để góp phần giảm thiểu tình trạng này, việc tăng cường kiểm ra giám sát từ phía cơ quan quản lý với các trung tâm sát hạch là điều cần thiết.
Cơ quan quản lý đã có những biện pháp siết chặt công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe. Tuy nhiên, có những ý kiến cho rằng để đảm bảo mỗi học viên sau khi vượt qua kỳ sát hạch có đủ kỹ năng và kinh nghiệm lái xe, phương thức đào tạo, sát hạch như hiện nay là chưa đủ.
Phương thức đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe như hiện nay rất chặt chẽ. Tuy nhiên, việc các bài thi chỉ áp được áp dụng trên sa hình cũng có nghĩa là đã đơn giản hóa những tình huống khó. Đây có lẽ là một phần nguyên nhân khi tham gia giao thông trên đường vẫn có những tình huống như trong bài thi nhưng người lái không xử lý được.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!