Chùa Tiêu huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh là ngôi chùa từng là trung tâm Phật giáo cổ xưa với trên 1.000 năm lịch sử. Đầu xuân, dù khách thập phương tới vãn cảnh chùa khá đông, nhưng ngôi chùa cổ vẫn giữ được vẻ trầm mặc, yên tĩnh hiếm có. Bởi ở đây, hoàn toàn không có chuyện chen lấn đặt lễ, thả tiền công đức một cách xô bồ như thường thấy tại các điểm di tích và tôn giáo mỗi dịp đầu năm mới.
Cả chùa, không hề có bất kỳ một hòm công đức nào và nhà chùa cũng không nhận tiền công đức của khách thập phương nếu không có dịp phải tu bổ, hay sửa chữa. Vì thế khi tới đây mọi người chỉ có thể dâng hương hoa thanh tịnh.
Thầy Thích Đàm Chính, cho biết: “Người dân dâng lễ lên, dù nhà chùa có chia lộc cho mọi người cũng không hết được, nên tôi cứ tích góp lại khi nào đủ, tôi tiến hành sửa chữa chùa”.
Những trường hợp như Chùa Tiêu quả thật quá hiếm hoi, bởi đến với các di tích, tín ngưỡng, tôn giáo trong dịp đầu năm mới này, điều dễ nhận thấy nhất là việc công đức được thực hiện một cách bát nháo, tùy tiện. Ban quản lý các di tích, tín ngưỡng, tôn giáo cũng tranh thủ dịp này tận dụng tất cả những gì có thể từ hòm công đức cho đến các loại xô, chậu, đĩa khác nhau để tận thu những đồng tiền công đức từ khách thập phương. Theo các nhà văn hóa, thực tế lộn xộn này bắt nguồn từ nhận thức lệch lạc, khi phần lớn mọi người đều tin rằng làm công đức sẽ được thánh thần chứng giám đem lại sự bình yên cho gia đình.
Bà Hà Thị Thìn, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: “Đến chùa, tôi cũng có giọt dầu, mong các ngài, các Phật và các vị thần linh chứng giám, để đem lại sự bình yên, an lành cho con cháu trong gia đình trong năm mới”.
Thực tế, các thần linh vốn là các bậc tối cao, thoát tục đâu có sử dụng đến đồng tiền trần thế? Đem những đồng tiền trần tục bày lên bàn thờ chính là làm vấy bẩn chốn linh thiêng. Nhưng bất chấp điều đó, các điểm di tích văn hóa, tín ngưỡng vẫn tận dụng tối đa dịp lễ hội đầu năm này. Hiện có điểm di tích danh thắng, theo quan sát của chúng tôi đã đặt tới 95 hòm công đức, giọt dầu khác nhau vượt xa con số quy định 3 hòm công đức cho mỗi điểm di tích của Bộ Văn hóa.
Giáo sư Trần Lâm Biền, bức xúc: “Ngay trục chính giữa vào ban thờ chính của các di tích là trục tâm linh quan trọng nhất, nhiều chùa lại đặt ngay một cái hòm công đức trần tục ở đấy. Điều này thực sự là đang đem cái sự xấu xa của cuộc đời để áp đặt lên tinh thần cao cả thánh thiện mà tổ tiên ta đã đặt ra”.
Theo thống kê của Bộ VHTT&DL, 300 tỉ đồng là số tiền công đức trong dịp lễ hội đầu năm 2012 mà các điểm di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn cả nước thu được. Tuy vậy, nếu tính toán trên hàng chục triệu lượt khách hành hương về các điểm di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn cả nước có thể nhận thấy, 300 tỉ đồng vẫn là con số rất khiêm tốn so với số tiền thực tế thu được. Tuy vậy, điều đáng suy ngẫm là phần lớn số tiền này lại không được dùng để trùng tu, tôn tạo di tích ấy vì chính những đơn vị có chức năng trùng tu, tôn tạo di tích lại không hề được biết và được quản lý số tiền công đức khổng lồ đó.