Công nghệ tưới nước nhỏ giọt vẫn nan giải ở Tây Nguyên

Anh Ngọc -Thứ hai, ngày 01/04/2013 19:20 GMT+7

Hạn hán trên diện rộng ở Tây Nguyên khiến nhiều loại cây trồng phải đối mặt với tình trạng khô hạn căng thẳng. Giải pháp sử dụng kỹ thuật tưới nước nhỏ giọt đem lại hiệu quả tốt, tuy nhiên không thể thực hiện được.

Theo dự báo của Hiệp hội cà phê cacao Việt Nam, sản lượng cà phê năm nay có thể giảm khoảng 30% do thiếu nước tưới. Nhưng đáng lo ngại hơn, nếu tình hình này kéo dài, cây cà phê thậm chí có thể chết vì khô hạn.

Đối với người trồng cà phê Tây Nguyên, cứu hạn cho cây lúc này là nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong thời gian này. Tuy nhiên, nhiều công nghệ tưới tiết kiệm nước dù đã được kiểm nghiệm, nhưng lại không thể triển khai được trên diện rộng do những khó khăn về hạ tầng nông thôn.

Cuối tháng 3, dù đang mùa cà phê trổ bông nhưng những việc hoa trổ bông tại vườn cà phê huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắc lại rất hiếm hoi. Đợt hạn hán lớn nhất từ 10 năm trở lại đây đang trở thành mối đe dọa đợt ra hoa lần thứ 3 của vụ cà phê năm nay và rất có thể sẽ không xảy ra.

Đối với gia đình ông Ama Chương, trong hoàn cảnh nắng hạn này, ông mới thấy được những quyết định của gia đình trong việc đầu tư hệ thống nước tưới nhỏ giọt 2 năm trước là rất đúng đắn. Vườn cà phê của ông không những ra hoa bình thường mà lượng phân bón cũng được tiết kiệm đáng kể.

‘ Nếu được đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt, người dân sẽ vừa tiết kiệm được nước, vừa tiết kiệm được công. (Ảnh: cand.com.vn)


Ông Ama Chương, buôn Kô Tam, xã Ea Tu cho biết: “Thứ nhất, hệ thống nước tưới nhỏ giọt tiết kiệm được nước, nếu tưới nước theo cách bình thường mỗi gốc cà phê cần tới 500 lít nước, đối với hệ thống tưới nước này, mỗi ngày chỉ tưới mấy tiếng thôi và rất tiết kiệm nước. Thứ hai, tiết kiệm được công lao động, tưới theo cách bình thường thì phải đi tưới từng gốc cây một, còn tưới nhỏ giọt chỉ cần đầu tư vốn ban đầu, tuy giá hơi cao nhưng sẽ nhàn công lao động”.

Vườn cà phê của ông Ama Chương là vườn cà phê đầu tiên được công ty cổ phần cà phê Trung Nguyên thí điểm hỗ trợ hệ thống tưới nước nhỏ giọt. Sau 3 năm thực hiện sản lượng cà phê đã tăng từ 1,6 tấn/ha, lên khoảng 3 tấn/ha.

Theo các cán bộ kỹ thuật của Trung Nguyên, dù hiệu quả của hệ thống tưới nhỏ giọt đã được khẳng định, tuy nhiên đến nay sau 3 năm cũng mới chỉ có 6 vườn cà phê tưới nước nhỏ giọt được triển khai trên toàn khu vực Tây Nguyên.

Bà Võ Thị Dung, cán bộ kỹ thuật, công ty cổ phần Cà phê Trung Nguyên cho biết: “Mô hình này sở dĩ chưa được nhân rộng là do vốn đầu tư ban đầu khá lớn. Chỉ tính riêng tiền mua thiết bị đã vào khoảng 50 – 55 triệu/ha, ngoài ra còn cần xây nhà bảo vệ các thiết bị trung tâm và cần phải có điện để hoạt động. Do hàng tuần nông dân sẽ tưới phân qua hệ thống nên nhất thiết cần phải có điện. Tôi nghĩ, có lẽ vì vậy mà mô hình vẫn chưa được nhân rộng”.

Lưới điện đang là một trong những trở lực lớn nhất khiến công nghệ tưới nhỏ giọt không thể nhân rộng tại khu vực Tây Nguyên. Yêu cầu của một hệ thống tưới công nghệ cao này là phải sử dụng điện ba pha nhưng nhiều vườn cà phê ở đây thậm chí còn không có cả đường điện.

Từ vài năm nay việc nghiên cứu công nghệ tưới nhỏ giọt sử dụng máy nổ hoặc điện một pha đã được thực hiện nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục khả quan hơn.

Bà Nguyễn Thị Thanh Loan, BQL Dự án mẫu Nông - Công nghiệp Cà phê Ea Tu, công ty cổ phần Cà phê Trung Nguyên cho biết: “Nếu mà sử dụng điện một pha hệ thống sẽ chạy yếu, không thể đẩy nguồn nước đi. Ngoài ra, điện yếu sẽ phải sử dụng máy công suất nhỏ hơn. Nếu sử dụng máy nổ sẽ phải tốn nhiên liệu và tốn công”.

Những vườn cà phê ở Tây Nguyên vẫn đang tiếp tục khô hạn. Ở nhiều nơi người nông dân thậm chí đã phải chứng kiến cây chết khô mà không có cách nào khắc phục. Một công nghệ tưới để giúp người dân chống chọi qua mùa khô hạn chắc chắn là điều khó có thể thực hiện.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước