Công trình PLXH Bắc Ninh: Gần 2 năm vẫn "dậm chân tại chỗ"

Nhóm PV-Thứ hai, ngày 17/06/2013 14:56 GMT+7

 Dự án Nhà máy xử lý nước thải tại thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh khi đi vào vận hành sẽ khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm nguồn nước đang diễn ra trên địa bàn, tuy nhiên 2 năm trôi qua dự án vẫn chưa triển khai.

Được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng từ năm 2009, dự án Nhà máy xử lý nước thải tại thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh khi đi vào vận hành sẽ khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng trên địa bàn thị xã. Theo kế hoạch, việc xây dựng nhà máy phải bắt đầu từ năm 2011, thế nhưng cho đến thời điểm này, sau gần 4 năm được Chính phủ chấp thuận chủ trương, dự án vẫn chưa triển khai được.

‘ Bản thiết kế của dự án Nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt thị xã Từ Sơn (Ảnh: VTV News)

Vị trí xây dựng Nhà máy xử lý nước thải thị xã Từ Sơn được đặt tại cánh đồng thôn Trịnh Nguyễn, phường Châu Khê, thị xã Từ Sơn, cách khu dân cư gần nhất 150m. Lãnh đạo thị xã Từ Sơn cho biết, vị trí như vậy là sự lựa chọn tối ưu nhất về địa hình, chưa kể phường Châu Khê còn có làng nghề và cụm công nghiệp sản xuất sắt thép, từ lâu đã là một “điểm nóng” về ô nhiễm, khi mỗi ngày xả thải ra môi trường hơn 15.000m3 nước thải chưa qua xử lý.

“Về mặt địa hình, thị xã Từ Sơn là khu vực trũng nhất và đã được đặt trạm bơm từ những năm 1960. Toàn bộ nước của thị xã Từ Sơn và một phần huyện Tiên Du đều dồn về khu vực Trịnh Nguyễn, Châu Khê. Vì thế, vị trí xây dựng nhà máy xử lý nước thải như vậy là phù hợp nhất”, ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Từ Sơn nói.

Do nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, nên nhà ông Dương Văn Lượng - một nhà dân phường Châu Khê dù đã khoan giếng sâu tới hơn 40m, nước được lọc qua 2 lớp bể nhưng vẫn không thấy yên tâm. Với ông, nhà máy xử lý nước thải được xây dựng sớm ngày nào thì tốt cho cả gia đình ngày đó.

“Ngày trước, có những người dân một ngày đi kéo hến được mấy tạ, nhưng bây giờ có khi kiếm hàng tháng không được một bữa hến nào vì nước thải ô nhiễm, hến chết hết”, ông Lượng nói.

Được biết, nhà ông Lượng là 1 trong 38 hộ dân có đất nông nghiệp trong vùng dự án đã nhận tiền bồi thường, để bàn giao mặt bằng. Hiện vẫn còn 24 hộ chưa đồng ý nhận tiền, mặc dù đã được tuyên truyền về ý nghĩa và sự an toàn về môi trường của dự án. Đây chính là nguyên nhân khiến dự án vẫn “dậm chân tại chỗ”.

Lý do những hộ này đưa ra là địa điểm đặt nhà máy quá gần khu dân cư, khi hoạt động sẽ ảnh hưởng tới môi trường xung quanh.

Tuy nhiên, trước những lo ngại này, GS.TSKH Trần Hữu Uyển - một chuyên gia đầu ngành về xử lý nước thải đã khẳng định: Khoảng cách 150m từ nhà máy xử lý đến khu dân cư gần nhất là hoàn toàn phù hợp với quy định của Nhà nước hiện hành. Ông cũng đưa thêm ví dụ về Nhà máy xử lý nước thải Kim Liên (Hà Nội) xây dựng từ 10 năm trước, chỉ cách khu dân cư có vài mét nhưng môi trường sống của người dân đã không bị ảnh hưởng.

“Trạm xử lý nước thải Từ Sơn theo tôi xem hồ sơ thiết kế đã xây kín toàn bộ. Như vậy, vấn đề môi trường không ảnh hưởng đến xung quanh. Khoảng cách của Nhà máy xử lý Từ Sơn là 150m, trong khi đó quy chuẩn của Việt Nam là 30m đã cho phép xây dựng rồi, như vậy con số này đã gấp 5 lần nên sẽ không có ảnh hưởng gì”, GS.TSKH Trần Hữu Uyển cho hay.

Về công nghệ sẽ được áp dụng tại Nhà máy xử lý nước thải Thị xã Từ Sơn, mới đây, Bộ Xây dựng đã có ý kiến đánh giá là công nghệ hiện đại, không ảnh hưởng, tác động đến đời sống cũng như sinh hoạt của người dân trong vùng dự án và đang được ứng dụng rộng rãi trong các công trình xử lý nước thải lớn của thế giới và Việt Nam. Và trong văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Ninh ngày 13/6, Tổng Cục Môi trường đã đề nghị dự án cần sớm được triển khai xây dựng, nhằm cải thiện môi trường và nâng cao chất lượng sống cho cộng đồng dân cư.

Mời quí vị theo dõi nội dung chi tiết VIDEO phóng sự dưới đây.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước