CPI tháng 9 tăng đột biến: Bài học về dự báo và điều hành giá

-Thứ bảy, ngày 20/10/2012 20:17 GMT+7

Ảnh minh họa

Tháng 9/2012, một loạt mặt hàng thiết yếu và các dịch vụ công dồn dập tăng giá, đẩy chỉ số giá tiêu dùng tăng mạnh gần bằng mức của 8 tháng trước đó cộng lại. Bài học về dự báo và điều hành giá đã được rút ra.

Nhiều ý kiến cho rằng, kinh tế Việt Nam đang rất nhạy cảm, quán tính lạm phát rất lớn. Điều này đòi hỏi sự đánh giá và điều hành của cơ quan quản lý để vực dậy nền kinh tế để đạt mục tiêu đề ra.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2012 tăng vọt 2,2% so với tháng trước, nghĩa là sau 2 tháng liên tiếp, chỉ số giá tiêu dùng mang dấu âm và tăng nhẹ vào tháng 8. Nguyên nhân là do tác động tăng giá của 4 nhóm mặt hàng: Y tế, giáo dục, xăng dầu và nhà ở, vật liệu xây dựng. Mức tăng này nằm ngoài tầm dự báo của các chuyên gia cũng như cơ quan quản lý. Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cũng thừa nhận, nếu chúng ta phân tích, dự báo tốt, có thể công tác điều hành giá cả làm cho tổng mức và ở từng tháng sẽ đều đặn hơn.

“Có 2 vấn đề phải tính đến, một là công tác dự đoán và dự báo. Trước đó, chúng ta không lường được, tháng 7 và 8 thì âm, nhưng tháng 9 lại tăng cao đến mức đó. Nếu chúng ta phân tích, dự báo tốt, có thể công tác điều hành giá cả làm cho tổng mức và ở từng tháng sẽ đều đặn hơn. Bài học thứ hai là sự phối hợp giữa các bộ, ngành cũng như giữa Trung ương và địa phương”, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ nói.

Là cơ quan có thể dự báo và đưa ra các con số thống kê, đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng, việc dự báo cũng khó khăn khi mà sự điều hành, phối hợp giữa các Bộ chưa được chặt chẽ, khi mỗi Bộ điều hành chính sách một mảng khác nhau. Và cơ quan thống kê ít được tham gia với các Bộ mỗi khi có thực hiện điều chỉnh chính sách có ảnh hưởng đến giá tiêu dùng.

Bên cạnh việc dự báo và công tác điều hành giá, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho rằng, sự đột biến chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 trong hoàn cảnh kinh tế đang yếu kém cho thấy mức độ quá nhạy cảm của nền kinh tế trước những biến động nhỏ về tiền tệ. “Khi chúng ta đang cố gắng giữ mức kiểm soát lạm phát để ổn định vĩ mô thì tăng đột biến trong thời điểm này nói lên mức độ quá nhạy cảm của nền kinh tế. Thứ hai, nó liên quan đến điều hành và sự điều hành không chắc tay…”.

Mặc dù vậy, Tiến sĩ Trần Đình Thiên cũng cho rằng, từ giờ đến cuối năm, cơ sở để ổn định, lạm phát thấp là có. Vấn đề phụ thuộc vào sự điều hành của cơ quan quản lý để tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Còn đại diện Tổng cục Thống kê đưa ra dự báo, chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 sẽ tăng không quá 1% so với tháng 9. Và chỉ số giá tiêu dùng cho cả năm 2012 sẽ trong khoảng 8%.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước