Cuộc chiến giảm giá xe: Chưa bao giờ nóng như thế
Từ những tháng cuối năm 2016, xu hướng giảm giá xe đã bắt đầu manh nha hình thành. Điều này đến từ lộ trình giảm thuế nhập khẩu từ ASEAN, khi từ 1/1/2017, Việt Nam giảm thuế nhập khẩu xe hơi từ 40% xuống 30%.
Thời điểm cuối năm 2016, cuộc chiến giảm giá xe ô tô chính thức bắt đầu. Và Thaco Trường Hải chính là công ty "châm ngòi" cho cuộc chiến này. Cụ thể, Thaco Trường Hải tuyên bố sẽ cắt lãi hơn 2.000 tỷ đồng để giảm giá xe trong năm 2017.
Với những động thái từ Thaco Trường Hải, các mẫu xe Mazda đã giảm giá mạnh trong thời gian qua
Ngay lập tức, Thaco Trường Hải tung ra chương trình ưu đãi giảm giá xe cho 3 thương hiệu mà mình nắm giữ là: Mazda, Kia và Peugeot, mức giảm từ vài chục triệu đồng lên tới hàng trăm triệu đồng. Như với dòng Mazda, Thaco Trường Hải đã áp dụng chương trình ưu đãi giảm giá xe từ 25 - 170 triệu đồng/xe. Đáng chú ý, Thaco Trường Hải áp dụng chính sách ưu đãi giảm giá sang cả năm 2017.
Trước những động thái mạnh bạo chưa từng có đến từ đối thủ Thaco Trường Hải, Toyota, công ty từ trước tới nay luôn được biết đến là rất "tiết kiệm" những chương trình khuyến mãi hay giảm giá, cũng đã không thể ngồi yên.
Ngay từ tháng 2/2017, Toyota đã triển khai chiến lược giảm giá của mình. Trong đó tiêu biểu là mẫu Toyota Yaris, bản E giảm 44 triệu đồng và bản G giảm 47 triệu đồng. Những tháng tiếp theo, Toyota tiếp tục áp dụng chính sách giảm giá với hàng loạt những mẫu xe ăn khách tại Việt Nam: Toyota Camry, Toyota Vios, Toyota Inonova, Corrola Altis... Mức giảm lên tới vài chục triệu trong tháng. Đặc biệt, trong tháng 7, các đại lý của Toyota đã thực hiện 3 lần đại hạ giá xe.
Toyota cũng không đứng ngoài cuộc chiến giảm giá
Chính sách giảm giá của Toyota đã phần nào cho thấy tác dụng mạnh. Như trong báo cáo doanh số bán xe tháng 8/2017 từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, bất chấp tác động tâm lý từ "tháng cô hồn", Toyota chiếm 3/4 vị trí dẫn đầu trong BXH 10 mẫu xe bán chạy nhất. Cụ thể, Toyota Vios xếp vị trí số với doanh số bán 2.129 xe, Toyota Fortuner xếp thứ 2 với doanh số 1.808 xe, Toyota Innova đứng thứ 4 với doanh số 1.018 xe.
Trước những động thái đến từ Thaco Trường Hải và Toyota, các hãng khác như Honda, Chervolet, Huyndai, Nissan... đều đã gia nhập cuộc chiến này. Gần đây nhất, mẫu Honda CR-V (Honda) là cái tên gây "ồn ào" nhất với khi Honda liên tiếp hạ giá không phanh 3 - 4 lần trong vài tháng trở lại đây. Việc hạ giá được tiến hành theo nhiều hình thức, từ hỗ trợ tiền mặt cho đến trừ trực tiếp vào giá bán.
Như phiên bản Honda CR-V bản 2.4, sau 4 lần đại hạ giá, mức giá của mẫu xe này đã giảm từ hơn 1 tỷ xuống còn hơn 800 triệu. Một mức giá khiến bất cứ ai cũng phải choáng váng.
Dù vẫn còn rất nhiều "lùm xùm" xung quanh việc bán hàng của Honda CR-V sau khi giảm giá, song nó cho thấy cuộc chiến tại thị trường ô tô tại Việt Nam đang vô cùng khốc liệt, nơi mà giá bán có thể giảm ở bất cứ hãng, phân khúc cũng như thời điểm nào.
Với sự cạnh tranh không khoan nhượng trong cuộc chiến giảm giá, rất nhiều người đã hy vọng về một viễn cảnh ô tô giá rẻ đang sắp trở thành hiện thực tại Việt Nam. Hy vọng càng trở nên lớn hơn khi mà thuế nhập khẩu ô tô sản xuất từ ASEAN sẽ giảm về 0% từ năm 2018. Ngoài ra hiện nay, Bộ Tài chính cũng đã rục rịch cho đề xuất tại Chương trình giảm thuế nhập khẩu đối với linh kiện ô tô nhập khẩu trong 5 năm từ năm 2018-2022.
Giấc mộng ô tô giá rẻ của người Việt khi nào thành hiện thực?
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, tiềm năng phát triển của thị trường ô tô Việt Nam là vô cùng lớn, điều này thể hiện ở mức bình quân ô tô/đầu người tại nước ta so với các nước trong khu vực và thế giới.
Thống kê cho thấy, mức bình quân ô tô tại Việt Nam đang chỉ ở mức 30 xe/1.000 dân. Con số này hoàn toàn lép vế nếu so với 240 xe/1.000 dân của Thái Lan, cũng như không thể so sánh với Mỹ, quốc gia có trung bình 790 xe/1.000 dân.
Cùng với đó thu nhập bình quân tại Việt Nam được dự đoán sẽ tiếp tục có xu hướng tăng trong những năm tới đây, đạt mức 3.000 USD/người/năm vào năm 2030, cho thấy tiềm năng lớn của ngành ô tô Việt Nam.
Tuy nhiên theo ông Long, một điều khá đáng tiếc là ngành ô tô Việt Nam lại đứng yên trước sự phát triển mạnh mẽ từ nhu cầu sở hữu xe của người dân.
Hiện Việt Nam mới chỉ đạt mức bình quân 30 ô tô/1.000 dân
"Chiến lược ô tô Việt Nam được đưa ra vào năm 2002 đã thất bại. Sau đó được sửa lại thành chiến lược phát triển ngành ô tô vào năm 2014. Song triển vọng của chiến lược này không mấy sáng sủa vì chưa đưa ra được những giải pháp, chiến lược cụ thể", ông Long cho biết.
Theo ông Long, hiện nay năng lực của ngành ô tô Việt Nam đang rất hạn chế khi mới chỉ làm được trong 4 khâu: sơn, hàn, lắp ráp và kiểm tra, trong khi tỷ lệ nội địa hóa còn thấp chỉ ở mức 10 - 15%.
Đây được xem là cơ sở cho đề xuất tại Chương trình giảm thuế nhập khẩu đối với linh kiện ô tô nhập khẩu trong 5 năm từ năm 2018-2022 của Bộ Tài chính nằm, giúp thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô và ngành công nghiệp phụ trợ trong nước phát triển.
Tuy nhiên đề xuất của Bộ Tài chính lại kèm theo điều kiện về sản lượng xe SXLR (sản lượng chung cho các mẫu xe và sản lượng riêng cho một mẫu xe mà 1 doanh nghiệp tham gia chương trình cam kết phải đạt được hàng năm) và tỷ lệ giá trị sản xuất trong nước của mẫu xe cam kết phải đạt được hàng năm. Theo ông Long đây có thể là rào cản cho nhiều doanh nghiệp nhỏ.
Và dù có được hưởng lợi từ việc giảm thuế linh kiện ô tô, các doanh nghiệp cũng phải tiếp tục đối diện với khó khăn là chi phí lắp ráp tại nước ta có giá thành cao (cao hơn khu vực khoảng 20%), cùng với đó là tỷ lệ nội địa hóa thấp. Do đó thời gian tới để so sánh giá xe lắp ráp tại Việt Nam với các nước trong khu vực là điều chưa khả thi.
Năng lực của ngành ô tô Việt Nam hiện nay còn đang đang rất hạn chế (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân Trí)
Trong một hướng khác mà nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam nhiều khả năng sẽ lựa chọn trong thời gian tới, đó là nhập khẩu. Điều này xuất phát từ việc thuế nhập khẩu ô tô sản xuất từ ASEAN sẽ giảm về 0% từ năm 2018.
Tuy nhiên với hiện trạng cơ sở hạ tầng hiện nay cũng những ràng buộc trong các chính sách thuế và phí, một chiếc ô tô với mức giá trong "mơ" dường như vẫn là quá xa vời.
"Với việc giảm thuế nhập khẩu, thời gian tới, giá xe tại nước ta có thể sẽ tiếp tục xu hướng giảm. Song người Việt Nam hãy chỉ nên mơ về những chiếc xe ô tô có giá rẻ hơn so với trước kia. Còn so với thế giới và khu vực, giá xe ô tô tại Việt Nam sẽ không có chuyện rẻ hơn, khi chưa có những chiến lược, giải pháp cụ thể và dài hơi", ông Long cho biết.
Đâu là thời điểm tốt nhất để mua ô tô?
Giữa lúc mà các hãng xe liên tục đưa ra chính sách giảm giá, một câu hỏi đang được rất nhiều người đặt ra: Đây đã là thời điểm tốt nhất để mua ô tô?
Theo ông Long, ước tính muốn sử dụng ô tô ở thời điểm hiện tại, phải có thu nhập bình quân ở mức khoảng 30 triệu đồng/tháng. Do đó vấn đề tài chính cũng như khả năng thanh toán là tiêu chí đầu tiên mà mọi người cần quan tâm khi đưa ra câu hỏi "Đây đã là thời điểm tốt nhất để mua ô tô?".
Thời điểm mua ô tô phụ thuộc rất lớn vào nhu cầu sử dụng và khả năng tài chính của mỗi cá nhân
Thứ 2, thời điểm mua xe của mỗi người phụ thuộc lớn vào nhu cầu sử dụng khác nhau: nhu cầu đi lại cho an toàn, nhu cầu phục vụ đời sống, nhu cầu kiếm kế sinh nhai... Trong trường hợp bất khả kháng, nhiều người phải mua dù bất kể lúc đó giá đắt hay rẻ.
"Với nhu cầu cùng các điều kiện khác nhau, mỗi người sẽ có quyết định mua ô tô ở những thời điểm khác nhau. Ví dụ để phục vụ cho sinh hoạt gia đình, tùy thời điểm, người mua chọn thời điểm hợp lý căn cứ vào khả năng thanh toán, năng lực tài chính, nhu cầu sử dụng. Tuy nhiên trong mọi trường hợp, người mua cần nhớ một điều đây chưa phải là thời điểm để hy vọng giá xe tại Việt Nam sẽ rẻ hơn các nước trong khu vực và thế giới", ông Long khẳng định.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!