Đa số đại biểu nhất trí giữ nguyên tên nước

Trung Kiên -Thứ hai, ngày 03/06/2013 22:00 GMT+7

Tại phiên thảo luận hôm nay 3/6, nhiều đại biểu đã nhất trí giữ nguyên tên nước và hiến định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Đa số các đại biểu đưa ra quan điểm nhất trí giữ nguyên tên nước là Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, vì tên này thể hiện mục tiêu và sứ mệnh lịch sử của nhân dân Việt Nam phấn đấu xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa. Hơn nữa, tên nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được các nước trên thế giới thừa nhận, ngoài ra nếu đổi tên nước sẽ ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của nhân dân, ảnh hưởng tới lòng tin của nhân dân với Đảng. Việc đặt tên nước như 37 năm qua là sự lựa chọn của thời khắc lịch sử sau khi kết thúc cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Ông Nguyễn Văn Tuyết, ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Tôi nhất trí vẫn là Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, vì chúng ta biết rằng tên gọi này đã được sử dụng ổn định từ tháng 7/1976 đến nay, đã được chính thức ghi nhận trong Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992. Hơn nữa, nếu việc thay đổi tên nước trong thời điểm hiện nay sẽ dẫn đến những hệ quả không có lợi và làm phát sinh thêm nhiều thủ tục hành chính gây tốn kém, phức tạp như việc phải thay đổi Quốc huy, con dấu, Quốc hiệu trên các văn bản, giấy tờ. Trải qua 37 năm, tên gọi đã trở nên quen thuộc đối với nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Ông Trần Văn Tư, ĐBQH tỉnh Đồng Nai: Đối với Đồng Nai, hơn 700.000 ý kiến khi lấy ý kiến của nhân dân về dự thảo Hiến pháp, nhất là về tên nước, chỉ có 01 ý kiến đề nghị đổi tên nước là Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

‘ Đại biểu Trần Văn Tư (Đồng Nai) phát biểu ý kiến. Ảnh: VOH

Cũng đề cập tới nội dung của Điều 4 quy định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội, nhiều đại biểu đã cho rằng, quy định này là thể chế hóa quan điểm của Đảng về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 là sự kế thừa quy định của Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992. Khẳng định tính chất lịch sử, tính chất khách quan sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình cách mạng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nước ta. Một số đại biểu còn đề nghị, cần quy định “Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo duy nhất nhà nước và xã hội”.

Cũng trong phiên thảo luận hôm nay, các đại biểu tỏ ra chưa nhất trí với 2 phương án về tổ chức chính quyền địa phương được nêu trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, bởi nếu theo phương án 1 việc thành lập, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của chính quyền địa phương do Luật định, như vậy là không thống nhất và không đúng với địa vị pháp lý và tầm quan trọng của chính quyền địa phương trong hệ thống tổ chức cơ quan nhà nước. Còn nếu theo phương án 2 thì vẫn giữ nguyên như quy định hiện hành. Có đại biểu đề xuất mô hình chính quyền địa phương hai cấp, nhưng cũng có đại biểu đề nghị Hiến pháp không nên quy định quá chi tiết.

Ngày mai (4/6), Quốc hội sẽ tiếp tục cho ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, phiên thảo luận sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước