Đại biểu Quốc hội đề nghị chỉ lấy phiếu tín nhiệm ở hai mức

Theo TTXVN-Thứ năm, ngày 20/11/2014 20:24 GMT+7

Các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước bỏ phiếu tín nhiệm 50 người giữ chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Chiều 20/11, qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội khẳng định, hoạt động lấy phiếu tín nhiệm là hết sức cần thiết và hiệu quả.

Chiều 20/11, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Tại Kỳ họp thứ 7, thảo luận về nội dung này, các đại biểu Quốc hội đã góp ý, dự thảo lần này đã tiếp thu, hoàn chỉnh các nội dung: Phạm vi, đối tượng lấy phiếu tín nhiệm; thủ tục, quy trình lấy phiếu và hệ quả sau khi lấy phiếu tín nhiệm.

Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội khẳng định, hoạt động lấy phiếu tín nhiệm là hết sức cần thiết và hiệu quả, thể hiện vai trò giám sát tối cao của Quốc hội và được đông đảo cử tri, nhân dân đồng tình ủng hộ.

Tuy nhiên, buổi thảo luận cũng ghi nhận nhiều ý kiến khác nhau của các đại biểu Quốc hội xung quanh các nội dung của dự thảo Nghị quyết.

Cả 3 ý kiến phát biểu của 3 đại biểu đoàn Hà Nội gồm: Bùi Thị An, Chu Sơn Hà và Trịnh Thế Khiết đều kiến nghị chỉ nên tiến hành lấy phiếu tín nhiệm theo 2 mức: “tín nhiệm và không tín nhiệm" thay vì 3 mức “tín nhiệm cao, tín nhiệm thấp và tín nhiệm” như hiện nay, để các đối tượng thuộc diện được lấy phiếu tín nhiệm nỗ lực, phấn đấu hơn trong quá trình thực thi nhiệm vụ, góp phần tạo ra chuyển biến mạnh mẽ trên các lĩnh vực.

Cùng quan điểm này, đại biểu Võ Thị Dung (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, việc để 2 mức trên phiếu tín nhiệm là hoàn toàn phù hợp với mong muốn của cử tri.

Cũng nêu quan điểm thiết kế 2 mức tín nhiệm trên lá phiếu, song, đại biểu Lê Thị Nga hiến kế nên chia nhỏ mức “tín nhiệm” thành hai tiêu chí là “tín nhiệm cao và tín nhiệm.”

Theo đại biểu, quy định 3 mức như hiện nay mà không có mức “không tín nhiệm” là chưa hợp lý; gây nên mặc định đối với các chức danh đều được tín nhiệm trước khi lấy phiếu; đồng thời hạn chế quyền của đại biểu trong trường hợp đại biểu không tín nhiệm một chức danh nào đó thuộc diện này.

Đại biểu cũng cho rằng, quy định 3 mức như hiện nay chưa đồng bộ với quy định của pháp luật với 4 mức đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ công chức; trong đó, có mức độ đánh giá “không hoàn thành nhiệm vụ.”

Về thời hạn lấy phiếu tín nhiệm, các ý kiến phát biểu tại buổi thảo luận cũng đưa ra nhiều quan điểm khác nhau.

Các đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) và Võ Thị Dung (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, nhiều cử tri phản ánh nguyện vọng nên tiến hành lấy phiếu tín nhiệm 2 lần trong một nhiệm kỳ.

Theo đại biểu Chu Sơn Hà, mỗi nhiệm kỳ nên 2 lần lấy phiếu tín nhiệm vào thời điểm cuối năm thứ 2 và cuối năm thứ 4, bởi quá trình hai năm đầu nhiệm kỳ là đủ để các chức danh có thời gian nắm bắt tình hình, công việc, xây dựng chương trình và triển khai công tác. Việc tiếp tục lấy phiếu tín nhiệm vào cuối năm thứ 4 là một kênh thông tin quan trọng để cấp ủy đánh giá, kiện toàn hệ thống chính trị, phục vụ Đại hội Đảng các cấp.

Khác với quan điểm trên, đại biểu Danh Út (Kiên Giang) lại cho rằng, chỉ nên thiết kế việc lấy phiếu tín nhiệm 1 lần vào cuối năm thứ 3 của nhiệm kỳ theo 3 mức “tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp” như hiện nay là đủ để người được lấy phiếu tự đánh giá mình và để các đại biểu có nhiều lựa chọn đánh giá khách quan hơn so với chỉ để 2 mức tín nhiệm.

“Thực tế cho thấy nhiều người được lấy phiếu đã vươn lên, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao," đại biểu Danh Út nêu quan điểm.

Buổi thảo luận cũng ghi nhận một số ý kiến khác của các đại biểu đề nghị lấy phiếu tín nhiệm đối với cả các đối tượng giám đốc các sở, ngành ở Hội đồng Nhân dân tỉnh; các trưởng phòng cấp huyện; đề nghị bổ sung quy định người được lấy phiếu tín nhiệm phải kê khai tàn sản, báo cáo thu nhập của mình.

Về hệ quả lấy phiếu, các đại biểu đồng tình với việc đối với người được lấy phiếu có quá nửa số phiếu tín nhiệm thấp thì có thể thực hiện văn hóa từ chức, nhưng cũng đề nghị Quốc hội có quy định trong trường hợp người thuộc diện này không từ chức.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước