Đại biểu Quốc hội trăn trở chuyện vay nợ, sản xuất khó khăn

Ngọc Thành (Thời sự - thoisuvtv@vtv.vn)-Thứ năm, ngày 30/10/2014 20:46 GMT+7

Minh bạch trong sử dụng ODA, nâng sức cạnh tranh kinh tế... là những vấn đề được các đại biểu Quốc hội đưa ra thảo luận tại phiên toàn thể về kinh tế - xã hội sáng 30/10.

Các đại biểu đã bày tỏ sự đồng tình với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014, nhiệm vụ năm 2015. Theo đó, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát. Cán cân thương mại ổn định, chuyển dần từ nhập siêu sang suất siêu; tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định; dự trữ ngoại tệ tăng, đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Niềm tin vào đồng tiền Việt Nam tăng lên. 

Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, nền kinh tế nước ta đang đối mặt với nhiều thách thức như môi trường đầu tư chưa hoàn thiện, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, ngân sách vẫn bội chi cao, thủ tục hành chính còn nhiều vướng mắc, năng lực cạnh tranh chưa nâng lên được, năng lực quản trị yếu, thành phần kinh tế tư nhân chưa được khai thác triệt để. Tái cơ cấu còn chậm hiệu quả chưa rõ nét; nợ công, nợ xấu, nợ xây dựng cơ bản vẫn đang dừng ở mức cao; kết quả nợ công mới giải quyết những vấn đề tình thế; nợ xấu còn thiếu nhiều điều kiện giải quyết như pháp lý và nguồn vốn hỗ trợ. 

Một số đại biểu cũng nhìn nhận, báo cáo của Chính phủ đã nhìn nhận thẳng thắn những bất cập hiện nay, song lại chưa đề cập rõ những nguyên nhân của các tồn tại, đặc biệt là vẫn còn khoảng cách giữa thực tế và con số trong báo cáo về các chỉ tiêu mà Quốc hội giao. 

Vốn vay ODA và nợ xấu là những vấn đề được đại biểu tập trung thảo luận sáng nay. Một số đại biểu cho rằng, đã tới lúc Việt Nam cần tăng cường quản lý trong phân bổ nguồn vốn vay ODA. Lý do bởi nguồn vốn này phần lớn là vay ưu đãi có điều kiện phải trả nợ, phần vay không hoàn lại là rất ít. Khẳng định sự đóng góp của ODA trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, tuy nhiên thực tế cho thấy, vẫn còn có lúc, có nơi phát sinh bất cập, vi phạm gây thất thoát lãng phí trong nhiều dự án có vốn ODA. 

Đề cập đến vẫn đề nợ xấu, nhiều đại biểu băn khoăn bởi hiện chúng ta vẫn chưa có giải pháp để xử lý vấn đề nan giải này. Ngay cả với hai đơn vị được giao nhiệm vụ xử lý nợ xấu là công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng và công ty mua bán nợ đều thiếu 3 yếu tố cần thiết là quyền lực, năng lực và nguồn lực. 

Trước các câu hỏi của các đại biểu về vấn đề nợ công, nợ xấu có ở mức an toàn hay không, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã giải trình làm rõ một số nội dung liên quan tới thực trạng nợ công của nước ta trước đây và hiện nay. Lý giải về việc nợ công tăng nhanh trong thời gian qua, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, nguyên nhân là do tăng vay để đảm bảo an sinh xã hội và kích cầu. Cho rằng còn nhiều khó khăn trong lĩnh vực nợ công song Bộ trưởng khẳng định, các chỉ tiêu quản lý nợ của Việt Nam hiện vẫn trong giới hạn cho phép gồm nợ Chính phủ và nợ nước ngoài dưới 50%, nợ công dưới 65%. 

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho biết, trong báo cáo Chính phủ đã đề xuất các giải pháp nhằm điều chính cơ cấu ngân sách Nhà nước vững chắc, an ninh tài chính quốc gia trong đó tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm trong thời gian tới. Với những giải pháp này, các chỉ tiêu về nợ công, nợ xấu sẽ vẫn được giữ ở mức an toàn và hướng tới giảm dần trong giai đoạn từ nay đến 2020.

Cũng trong phiên thảo luận sáng nay, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về vấn đề tác động của ô nhiễm môi trường tới đời sống người dân, vấn đề đảm bảo lương tối thiểu, cải cách thủ tục hành chính, giảm tỷ lệ thất nghiệp, phòng chống tội phạm xã hội.

Ngày mai (31/10), Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình thực hiện kinh tế - xã hội năm 2014, nhiệm vụ năm 2015.

 

 

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước