Đại biểu Quốc hội tranh luận: Luật Quy hoạch có thực sự hạn chế, bất cập?

H.T-Thứ sáu, ngày 31/05/2019 15:56 GMT+7

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) nhấn mạnh rằng Luật Quy hoạch có hiệu lực từ mùng 1/1/2019 đã làm tất cả các dự án đều tạm dừng vì sự bất cập của luật

VTV.vn - Trong 2 phiên họp liên tiếp, nhiều đại biểu đã tranh luận về quan điểm, có phải Luật Quy hoạch khiến hàng trăm dự án ngừng trệ không thể triển khai hay không.

Xuyên suốt các phiên thảo luận của Quốc hội chiều 30/5 và sáng 31/5 về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, vấn đề vướng mắc khi thi hành Luật Quy hoạch đã được nhiều đại biểu tranh luận.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) đã đề cập đến các tít bài báo liên quan đến vấn đề quy hoạch, qua đó nhấn mạnh rằng Luật Quy hoạch có hiệu lực từ mùng 1/1/2019 đã làm tất cả các dự án đều tạm dừng vì sự bất cập của luật: "Nhiều báo chí đưa tin với tiêu đề "Vướng một bộ luật, khắp nơi rối bời, ách tắc, đình chỉ hết cả", "Bất cập của Luật Quy hoạch hàng loạt dự án điện sạch đứng trước nguy cơ mất ưu đãi", "Bất thường hàng loạt dự án công nghiệp đình trệ vì vướng Luật Quy hoạch", "Địa phương đề nghị sớm có hướng dẫn triển khai Luật Quy hoạch", "Còn nhiều bất cập trong dự thảo Luật Quy hoạch". "Thủ tướng chỉ đạo giải quyết vướng mắc của Luật Quy hoạch". Luật Quy hoạch là công cụ quan trọng giúp nhà nước quy hoạch hiến định động lực không gian để phát triển nhanh, bền vững. Tuy nhiên, để luật có hiệu lực, cần loại trừ các quy hoạch chồng chéo, cản trở đầu tư phát triển, cần có thông tư, nghị định hướng dẫn các dự án đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho quy hoạch phát triển".

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho biết thêm: "Thực trạng của Luật Quy hoạch có nguy cơ đe dọa nghiêm trọng đến nền kinh tế đất nước làm cho nhiều dự án đầu tư nước ngoài ngừng hoạt động. Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Chính phủ đã thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ nêu ý kiến vướng mắc. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề cập hàng loạt khó khăn vướng mắc khi luật ban hành làm luật chuyên ngành hết hiệu lực, nhiều dự án chậm tiến độ. Hiện có 39 quy hoạch ngành quốc gia, 63 quy hoạch tỉnh, 25 quy hoạch ngành, 368 dự án đầu tư sản xuất công thương không triển khai được vì vướng quy hoạch. Nếu không sớm xử lý thì tất cả đều trì trệ không tháo gỡ được khó khăn đề nghị Quốc hội cần mạnh dạn sửa đổi những sai sót vừa qua mà một số luật đã ban hành. Hoặc ban hành nghị quyết riêng để xử lý tổng thể về việc chuyển tiếp các quy hoạch bao gồm gia hạn, thời hiệu pháp luật chuyên ngành".

"Liên quan đến việc điều chỉnh quy hoạch cho tới khi quy hoạch cấp quốc gia, vùng, tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 có được phê duyệt, cho phép triển khai tạo cơ hội cho quy hoạch đã được xác lập, các bộ ngành được xác định, thẩm định, được phê duyệt được tiến hành thi công để không nằm im, trì trệ, gây cản trở bứt phá trong thời gian tới. Chấp nhận cho các dự án thuộc diện chuyển tiếp đã trình hồ sơ thẩm định trước năm 2018 và nằm trong quy hoạch phát triển điện lực hoặc các lĩnh vực khoáng sản được phép khai thác và tiến hành" – ĐBQG đoàn Quảng Bình kiến nghị.

Sau đó, đại biểu Đỗ Văn Sinh (đoàn Quảng Trị) đã có ý kiến tranh luận với đại biểu Nguyễn Ngọc Phương về Luật Quy hoạch, trình bày về quá trình xem xét và thông qua luật: "Quy hoạch là một hoạt động quan trọng cần đi trước và làm trước theo những đường hướng lớn. Luật Quy hoạch đã được Chính phủ chuẩn bị từ khóa XIII. Tuy nhiên, đến khóa XIV thì Quốc hội mới xem xét và thông qua tại 3 kỳ họp. Dự thảo nghị định kèm theo đã được Chính phủ chuẩn bị công phu, luật được Quốc hội thông qua tại Quốc hội khóa XIV ngày 24/11/2017, luật có hiệu lực thi hành từ 01/01/2019. Riêng các hoạt động lập, thẩm định quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh được triển khai trước từ ngày 01/03/2018, tức là các nội dung quan trọng, cốt lõi của luật được làm trước một bước, làm cơ sở để triển khai các quy hoạch chuyên ngành đi sau".

Đại biểu Quốc hội tranh luận: Luật Quy hoạch có thực sự hạn chế, bất cập? - Ảnh 1.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh (đoàn Quảng Trị)

"Đến ngày 05/02/2018, Chính phủ mới ban hành Nghị quyết số 11 giao trách nhiệm cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện triển khai các nhiệm vụ cụ thể để triển khai quyết liệt Luật Quy hoạch theo quy định của luật, rất tiếc đến tận ngày 05/07/2019 Chính phủ mới ban hành Nghị định số 37 quy định chi tiết một số điều để thi hành luật. Vì chưa có nghị định trên nên các quy hoạch không thể triển khai được, đây là nguyên nhân chính và là nguyên nhân duy nhất luật không triển khai được. Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng luật có vướng mắc không triển khai được. Tôi đề nghị Chính phủ báo cáo rõ những vướng mắc ở nội dung nào, điều luật nào. Nghị định mới ban hành chưa triển khai trong thực tiễn, chưa được đánh giá tác động, chưa có cơ sở để đánh giá vướng mắc" - đại biểu Đỗ Văn Sinh cho biết.

Đầu giờ sáng nay (31/5), ĐBQH Phùng Văn Hùng (đoàn Cao Bằng) tiếp tục tranh luận với đại biểu Nguyễn Ngọc Phương. Theo đó, ông Hùng phản bác của ông Phương về hạn chế, yếu kém của Luật Quy hoạch khiến hàng trăm dự án ngừng trệ không thể triển khai, đe dọa nghiêm trọng nền kinh tế đất nước: "Tôi cho đây là sự phóng đại quá mức, phủ nhận công lao của Quốc hội, Chính phủ suốt 2 khóa 13 và 14 và nỗ lực của các ĐBQH trong 3 kỳ họp".

Phùng Văn Hùng cho rằng Luật Quy hoạch ra đời là giúp hình thành hệ thống quy hoạch quy củ, có tầng lớp và đề cao tính tuân thủ: "Sau bao nhiêu khó khăn vất vả, phức tạp, chúng ta cuối cùng đã ban hành được Luật Quy hoạch. Nếu vấn đề đó gây nguy hại đến nền kinh tế đất nước thì chắc chắn báo cáo Chính phủ sẽ nêu ra".

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương giơ biển tranh luận lại về vấn đề, nhưng Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị ưu tiên những vấn đề quan trọng hơn và gác lại vấn đề vè Luật Quy hoạch để các đại biểu gặp nhau để thảo luận thêm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước